Gặp người đẽo thuyền độc mộc đưa bộ đội sang sông trên bến đò A Sanh

Cập nhật 12/3/2018, 08:03:22

Câu chuyện về người Anh hùng A Sanh ở làng Nú, xã Ia Khai, huyện Ia Grai dũng cảm chèo thuyền độc mộc chở hàng ngàn chiến sĩ qua sông Pô Kô đã được ghi danh trong trang sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Chuyện về A Sanh thì đã nhiều người biết. Tuy nhiên, câu chuyện về những người từng cùng A Sanh đẽo thuyền độc mộc, cùng viết lên chiến công vẻ vang của làng Nú lại không phải ai cũng tỏ tường… Trong chương trình ngày hôm nay, chúng tôi xin kể cho quý vị nghe câu chuyện về người đẽo thuyền độc mộc dũng cảm Rơ Lan Pêng.

Ông Rơ Lan Pêng, làng Nú, xã Ia Khai, huyện Ia Grai nhớ lại: “Năm 1962 tôi cùng dân làng đóng thuyền độc mộc đưa bộ đội sang sông Pô Kô. Một đêm chở 200 đến 300 người, chia làm 2 ca, từ 5 giờ chiều đến 11 giờ đêm rồi từ 1 giờ đến 5 giờ sáng. Đêm nào cũng vậy”.

Những năm tháng hào hùng khi già Rơ Lan Pêng cùng anh hùng A Sanh và dân làng đẽo thuyền độc mộc để phục vụ kháng chiến được già Pêng bồi hồi nhớ lại. Ngày đó trong đội thợ đẽo thuyền, ông là thợ chính bởi đôi tay khéo léo, thành thạo. Già cho biết để làm ra được một chiếc thuyền độc mộc rất công phu và người thợ đóng thuyền cũng phải có năng khiếu Yàng cho. Chọn gỗ làm thuyền thì cây phải to, chắc chắn. Phải khoét lòng thuyền trước, rồi mới vạt đầu và đuôi thuyền. Phải khéo léo dùng lửa đốt trong lòng và xung quanh thuyền sao cho việc nới và định hình được dễ dàng nhất. Khi thuyền độc mộc hoàn thành, mỗi lần sang sông có thể chở được 6-7 người.

Ông Rơ Lan Pêng chia sẻ: “Khi được đóng góp sức mình cho cách mạng thì đó là những năm tháng đáng nhớ nhất trong cuộc đời của tôi. Dù bây giờ không đóng thuyền nữa nhưng tôi vẫn kể cho con cháu nghe để hiểu về truyền thống của dân tộc”.

82 tuổi, đôi bàn tay đã không còn đủ linh hoạt để đẽo thuyền như trước, nhưng bộ đồ nghề đã theo già Pêng đẽo gọt nên không biết bao nhiêu chiếc độc mộc vẫn được già cất giữ cẩn thận như những vật lưu niệm về một thời anh hào. Và trên khuôn mặt đã in dấu thời gian vẫn còn hằn lên vết sẹo do đạn địch bắn từ một lần bị phục kích. Ông vẫn tự xem vết sẹo ấy là “chứng tích của chiến tranh”.

Anh Siu Bi – Công chức văn hóa, xã hội xã Ia Khai, huyện Ia Grai cho biết: “Chú Rơ Lan Pêng cùng người dân trong làng đẽo thuyền đưa bộ đội sang sông góp sức mình vào cuộc giải phóng dân tộc. Ông đã trở thành tấm gương cho con cháu noi theo, chú luôn giữ gìn phẩm chất của bộ đội cụ Hồ”.

Giờ đây bến đò A Sanh trên dòng Pô Kô đã đi vào lịch sử, in đậm chiến công của quân dân làng Nú. Và Anh hùng A Sanh cùng đã đi xa, rất xa rồi… Chỉ còn người lái đò như Rơ Lan Pêng là đồng đội của A Sanh còn ở lại với bao ký ức đẹp về một thời cống hiến tuổi trẻ cho cách mạng. Ông Rơ Lan Pêng đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng những huân chương kháng chiến cao quý hạng Nhất, Nhì, Ba. Ông đã trở thành niềm tự hào cho con cháu noi theo.

Nhâm Dung, Cao Duy

 


Lượt xem: 225

Trả lời