Đường Hồ Chí Minh trên biển – Con đường huyền thoại và kỳ tích của quân sự Việt Nam

Cập nhật 23/10/2021, 10:10:18

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đường Hồ Chí Minh trên biển đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam “như một con đường huyền thoại”, thể hiện tài thao lược và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân rất độc đáo, sáng tạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương và mãi mãi là niềm tự hào của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Cùng với đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh trên bộ, Đường Hồ Chí Minh trên biển là một trong hai tuyến vận tải chiến lược chi viện kịp thời, hiệu quả vũ khí trang bị, sức người, sức của cho Cách mạng miền Nam.

Để đáp ứng nguyện vọng cháy bỏng của quân và dân Nam Bộ, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định tiếp tục mở tuyến vận tải chiến lược đường biển, chi viện cho cách mạng miền Nam đánh Mỹ. Sau quá trình thử nghiệm tổ chức, tìm giải pháp và phương thức hoạt động vận tải đường biển từ Bắc vào Nam, ngày 23-10-1961, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định thành lập Đoàn Vận tải biển 759 với mật danh “Đoàn tàu không số” (ngày 29-1-1964 đổi thành Đoàn 125), có nhiệm vụ mở đường chiến lược quan trọng-Đường Hồ Chí Minh trên biển, để vận chuyển người, vũ khí, trang bị kỹ thuật, chi viện cho chiến trường miền Nam, những nơi mà Đường Hồ Chí Minh trên đất liền chưa thể vươn tới. Khi mới thành lập, hầu hết cán bộ, chiến sĩ Đoàn 759 (Đoàn 125) là các đồng chí cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc và các đồng chí cán bộ ưu tú thuộc các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh, Bà Rịa, mới từ miền Nam vượt biển bằng tàu cá ra miền Bắc để nhận vũ khí. Sau khi ổn định tổ chức biên chế và làm công tác chuẩn bị, đêm 10-4-1962, Đoàn 759 tổ chức “thuyền Bạc Liêu” gồm 6 thủy thủ, tiến hành chuyến đi trinh sát mở đường từ bến Nhật Lệ (Quảng Bình) vào miền Nam. Với bản lĩnh, kinh nghiệm và tài trí thông minh của những “dân chài” Nam Bộ, “thuyền Bạc Liêu” đã vượt qua sự kiểm soát gắt gao của địch, ngày 18-4-1962, thuyền cập bến Bồ Đề rồi vào bến Vàm Lũng (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), sau đó quay trở lại miền Bắc an toàn. Thành công của chuyến đi trinh sát mở đường, nghiên cứu luồng lạch, chuẩn bị bến bãi của “thuyền Bạc Liêu” là cơ sở rất quan trọng để đêm 11-10-1962, Đoàn 759 tiếp tục tổ chức một tàu gỗ gắn máy, được hoán cải thành tàu cá không mang số hiệu, chở 30 tấn vũ khí từ bến Đồ Sơn (Hải Phòng) vượt biển vào Nam và cập bến Vàm Lũng an toàn vào ngày 19-10-1962. Thành công của “chuyến tàu không số” chở 30 tấn vũ khí đầu tiên từ hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường Nam Bộ đã chứng minh tính hiệu quả và khẳng định sự hình thành tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển của quân và dân ta.

Sau chuyến đầu tiên thắng lợi, trong năm 1962 và đầu năm 1963, cũng với phương thức vận chuyển bí mật, giả dạng tàu cá của ngư dân, Đoàn 759 đã tổ chức thành công 28 chuyến tàu không số, với hơn 1.300 tấn vũ khí, hàng hóa được đưa tới chiến trường miền Nam, phục vụ đồng bào Nam Bộ kháng chiến. Trong 3 năm (1962-1965), các đơn vị hoạt động trên tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển đã tổ chức được 89 chuyến tàu, vận chuyển hơn 5.000 tấn vũ khí, vật chất chi viện cho các chiến trường Khu 5, Nam Bộ và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Tuy nhiên, sau “sự kiện Vũng Rô” (Phú Yên) tháng 2-1965, tuyến Đường Hồ Chí Minh ven biển bị lộ, địch tăng cường tuần tiễu ngăn chặn, chống xâm nhập, Đoàn 125 phải chuyển hướng hoạt động, vận chuyển theo đường hàng hải quốc tế, bí mật, bất ngờ đột nhập, đưa hàng vào các bến tiếp nhận. Trong 4 năm (1965-1968), ta tổ chức được 27 chuyến tàu, trong đó có 7 chuyến tới đích, vận chuyển hơn 400 tấn vũ khí vào chiến trường, các chuyến còn lại hoặc phải quay trở lại, hoặc bị địch đánh phá, hoặc buộc phải tự hủy trong những tình huống hiểm nghèo, thiệt hại tới 19 tàu và hơn 700 tấn hàng hóa, hàng chục cán bộ, chiến sĩ hy sinh và bị bắt.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tranh thủ lúc địch ngừng ném bom miền Bắc, Đoàn 125 đã vận chuyển một khối lượng lớn hàng hóa, vũ khí vào vùng giới tuyến giao cho các địa phương và Đoàn 559 vận chuyển vào chiến trường miền Nam. Từ cuối năm 1970, sau khi tuyến đường biển vận chuyển qua cảng Xihanúcvin (Campuchia) bị địch cắt đứt, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 đã chủ động tìm đường mới, men theo phía Đông các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, qua vùng biển Đông Bắc Malaysia vào khu vực quần đảo Nam Du để cập bến, giao hàng cho các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Sau Hiệp định Paris năm 1973, Đoàn 125 phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, địa phương, vận chuyển một khối lượng lớn vũ khí, đạn dược và hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ vào Nam chiến đấu. Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, các đội tàu không số của Đoàn 125 đã thực hiện thành công 173 chuyến, vận chuyển hơn 8.000 tấn vũ khí hạng nặng, 50 xe tăng, đưa hơn 18.700 cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường chiến đấu; trong đó, Đoàn 125 phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương thuộc Quân khu 5, vận chuyển Bộ đội Hải quân và lực lượng, cơ động chiến đấu trên biển của quân khu, giải phóng toàn bộ các đảo ven bờ và quần đảo Trường Sa, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tổ chức thành công Đường Hồ Chí Minh trên biển, quân và dân ta đã viết nên bản hùng ca về ý chí, sức sáng tạo của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ. Qua đó, để lại nhiều bài học kinh nghiệm có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong thời kỳ mới./.

BT: Thiên Thanh (Từ Báo QĐND)

 


Lượt xem: 16

Trả lời