Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Gia Lai, công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận

Cập nhật 21/7/2020, 14:07:10

Công tác xóa đói, giảm nghèo được coi là một trong những quyết sách quan trọng hàng đầu của Đảng bộ và chính quyền địa phương. Từ nhiều năm nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội cho Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng, tạo môi trường thuận lợi để người dân nhất là hộ nghèo có điều kiện hơn trong phát triển sản xuất, tăng thu nhập và nâng cao đời sống. Với sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức và đông đảo quần chúng nhân dân, trong giai đoạn 2015 – 2020, công tác xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai (khóa XV) đã đề ra mục tiêu là giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống dưới 7% vào năm 2020, hoàn thành tiêu chí hộ nghèo trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Để mục tiêu này cán đích, trong thời gian qua các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo tổ chức thực hiện phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đối với người nghèo; Bố trí nguồn lực hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, tập trung hỗ trợ về sinh kế cho người nghèo thông qua trợ giúp các điều kiện và dịch vụ sản xuất, đào tạo nghề để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, cán bộ, đảng viên về thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó nhiều địa phương vùng sâu vùng xa đã đạt được kết quả giảm nghèo đáng ghi nhận .

Ông Võ Anh Tuấn – Bí thư Huyện ủy Ia Pa, Gia Lai cho biết: “Công tác giảm nghèo được cấp ủy Đảng quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả quan trọng; địa phương đã ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng tại vùng đặc biệt khó khăn; triển khai lồng ghép các chương trình, dự án và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với các nguồn lực để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện. Nhờ chỉ đạo sát sao và hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm là 5,44%; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân hàng năm 4,89%”.

Song song đó, các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực thực hiện đồng bộ và nâng cao hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 và các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh giai đoạn 2017 – 2020 và định hướng đến năm 2025. Nhờ đó người nghèo đã thụ hưởng được nhiều chính sách ưu tiên từ các chương trình vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Ông Võ Văn Phán – Chủ tịch UBND huyện Kbang, Gia Lai trao đổi: “Những năm qua từ nguồn vốn của các chương trình địa phương đã đầu tư hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, địa phương đã ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng sâu vùng xa; hỗ trợ cây trồng vật nuôi để người dân mở rộng phát triển cây trồng; địa phương lồng ghép các chương trình dự án trong sản xuất, nhờ đó kết quả giảm nghèo ở địa phương giảm nhanh qua từng năm”.

Nhờ có sự đầu tư hỗ trợ của nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong giai đoạn 2015-2020 đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nhân dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa chuyển biến rõ nét, thu nhập bình quân đầu người tăng lên theo từng năm.  Đến nay tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 4,5%; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn dưới 6,25%. Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song Gia Lai vẫn là một tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao so với bình quân chung cả nước, các xã vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang cần những chính sách thiết thực hữu hiệu của các cấp, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục giảm nghèo và giảm nghèo một cách bền vững.

Bà Nguyễn Thị Thanh – Bí thư Đảng ủy xã Ia Tul, Ia Pa, Gia Lai cho biết: “Nhờ nhiều chính sách hỗ trợ vùng sâu vùng xa nên tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm, nhưng là xã vùng khó khăn nên khả năng tái nghèo là rất cao, do vậy địa phương mong muốn các cấp tiếp tục đưa ra những chính sách ưu tiên cho người đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là tiếp tục hỗ trợ vốn vay, các dự án sinh kế  để thay đổi nếp nghĩ cách làm theo phương thức mới để đem thu nhập cao, tránh tái nghèo”.

Ông Vũ Tiến Sơn – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Ke, Phú Thiện, Gia Lai nêu: “Địa phương là xã khó khăn và tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, mong rằng các cấp tiếp tục hỗ trợ các chương trình phục vụ dân sinh, đặc biệt là tạo sinh kế cho người nghèo phát triển về chăn nuôi như hỗ trợ bò, hỗ trợ dê, các con giống mới…để đẩy mạnh chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế”.

Theo dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tỉnh Gia Lai tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo bền vững, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Giai đoạn 2020- 2025, Gia Lai phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều) giảm dưới 1%/năm, đặc biệt quan tâm các giải pháp giảm nghèo một cách bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.

Ngọc Ánh, Minh Trung, Huy Toàn


Lượt xem: 24

Trả lời