Đức Cơ nỗ lực thu hồi đất rừng bị lấn chiếm

Cập nhật 28/5/2017, 21:05:28

Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về việc tổ chức thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng, huyện Đức Cơ đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp thu hồi hàng nghìn hecta rừng và đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm canh tác trái phép để phục hồi, nâng cao độ che phủ rừng.

Trong những năm qua, các chủ rừng trên địa bàn huyện đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý bảo vệ diện tích rừng được giao, nhưng do địa bàn rộng, cuộc sống kinh tế các hộ dân giáp ranh với rừng còn nhiều khó khăn, thiếu đất sản xuất…nên tình trạng khai thác, lấn chiếm đất rừng làm rẫy của người dân vẫn diễn ra khá phức tạp. Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện, toàn huyện hiện có 7 đơn vị có đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, gồm: Ban Quản lý rừng phòng hộ Đức Cơ và 6 xã (Ia Din, Ia Kriêng, Ia Kla, Ia Lang, Ia Nan, Ia Pnôn), với tổng diện tích trên 2.510 ha.

Trước tình hình này, địa phương đã cho rà soát, thống kê diện tích rừng bị chặt phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái pháp luật để phục hồi lại rừng. Theo kế hoạch năm 2017, huyện Đức Cơ sẽ thu hồi tối thiểu 250 ha, trong đó Ban QLRPH Đức Cơ là 100 ha.

Ông Trần Văn Thưởng, Phó Trưởng ban QLRPH Đức Cơ, Gia Lai cho biết: “Hiện tại đơn vị đang tiến hành triển khai các lực lượng kiểm tra phát hiện kịp thời và rà soát lại các diện tích cụ thể và ký cam kết với các hộ dân đang canh tác trên lâm phần của đơn vị quản lý. Để chuẩn bị cho năm 2017, đơn vị đã rà soát được 45 điểm, tổng diện tích là 100,74 ha. Đơn vị đã họp và tuyên truyền, trong đó đa số người dân đồng tình ủng hộ việc thu hồi để giao đất cho người dân trồng rừng có hưởng lợi, Nhà nước hỗ trợ”.

Mới đây UBND huyện Đức Cơ đã xây dựng phương án thu hồi rừng và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép trên cơ sở yêu cầu lực lượng chức năng và chủ rừng đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân biết rõ việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng là vi phạm pháp luật. Đối với những diện tích đất rừng sau khi giải tỏa thu hồi được giao lại cho các chủ rừng và địa phương quản lý; chủ rừng phải xây dựng phương án trồng rừng trên diện tích thu hồi, báo cáo Sở NN&PTNT phê duyệt phương án, giải pháp về cây giống, kỹ thuật, kinh phí trồng rừng; tổ chức lực lượng tuần tra thường xuyên nhằm tránh tình trạng tái lấn chiếm.

Ông Bùi Quang Thịnh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đức Cơ, Gia Lai cho biết: “Trong khoảng 8.000 ha đất rừng bị lấn chiếm thì đối với BQL thì Ban toàn quyền chủ động, còn rừng các xã quản lý thì huyện đã cơ bản rà soát xong hiện trạng, trong đó bao nhiêu là diện tích đất trống, bao nhiêu là diện tích đã trồng cây ngắn ngày, bao nhiêu là cây dài ngày, bao nhiêu đã có rừng tức là trồng cây cao su, tất cả số liệu này đã xong và đặc biệt có 1 số hộ dân đã quy chủ, tức là huyện đã có biên bản thống nhất với các hộ, các xã để cam kết trồng rừng”.

Đi đôi với các mặt công tác trên, địa phương cũng đề ra phương án lâu dài như báo cáo với UBND tỉnh quy hoạch, lập dự án bố trí ổn định dân cư phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; tiến hành rà soát, thống kê các đối tượng là người dân tộc thiểu số là hộ nghèo, hộ ở xã, thôn, làng khó khăn để đưa vào Đề án thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các hộ thuộc diện trên.

Ông Trịnh Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, Gia Lai cho biết: “Trong quá trình triển khai, cái vướng hiện nay là đa số người dân là đồng bào DTTS đang sản xuất trên các diện đất bị lấn chiếm, do đó việc tuyên truyền phải có 1 lộ trình nhất định. Trong quá trình thực hiện, đề nghị các cấp lãnh đạo làm sao phân bổ được các nguồn vốn để thực hiện ổn định theo QĐ 755 cũng như QĐ 38 của Thủ tướng Chính phủ làm sao để người dân có nguồn vốn thực hiện đảm bảo chu kỳ của các loại cây trồng và phải có nguồn giống đảm bảo rõ ràng để các địa phương thực hiện”.

Có thể nói, sau nhiều năm giảm mạnh về diện tích và độ che phủ, hiện nay, công tác trồng rừng đang được quan tâm mạnh mẽ từ trung ương đến địa phương. Hiện nhiều hộ dân ở các địa phương và chủ rừng đã đăng ký trồng rừng sản xuất trong năm 2017. Đây là tín hiệu rất lạc quan, nên hy vọng các cơ quan chuyên môn sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân trồng rừng, tăng thu nhập từ nghề rừng, góp phần mang lại màu xanh cho rừng trong tương lai.

Quốc Anh, Minh Trí

                                                                                          


Lượt xem: 400

Trả lời