Đưa sản phẩm OCOP của Gia Lai đến gần với người tiêu dùng

Cập nhật 28/10/2023, 09:10:23

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay tỉnh Gia Lai đã phát triển được 311 sản phẩm OCOP từ 3 sao đến 4 sao. Bên cạnh việc tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP của Gia Lai thì hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, mang về doanh thu, lợi nhuận cho cơ sở sản xuất, HTX và doanh nghiệp sở hữu sản phẩm OCOP đang là vấn đề cần được các chủ thể cũng như các cấp, ngành liên quan quan tâm triển khai.

Phiên chợ biên giới huyện Đức Cơ năm 2023 vừa được tổ chức vào đầu tháng 10 vừa qua là phiên chợ gần nhất trong hơn chục phiên chợ mà từ đầu năm 2023 đến nay anh Nguyễn Văn Hân- chủ cơ sở sản xuất cà phê 4 sao Nguyễn Hân coffee mang sản phẩm tham dự. Không chỉ tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại trong tỉnh mà thời gian qua, anh Hân còn tham gia các chương trình triển lãm, hội chợ được tổ chức ở các tỉnh thành khác trên cả nước.

Đi nhiều tuy vất vả và tốn kém về thời gian, chi phí, nhưng anh Hân luôn nhiệt tình tham gia, bởi theo anh, cái được đối với những đơn vị khởi nghiệp mới như cơ sở của anh khi tham gia những hoạt động này lớn hơn rất nhiều so với cái bị mất.

Anh Nguyễn Văn Hân – Chủ cơ sở cà phê Nguyễn Hân, xã Ia Lang, huyện Đức Cơ, Gia Lai nói: “Đơn vị của mình rất cần các hoạt động xúc tiến như thế này để quảng bá sản phẩm và bán hàng một cách nhanh nhất có thể. Nó mang lại hiệu quả rất nhiều cho các đơn vị đang khởi nghiệp như mình. Nó rất thuận lợi, mà thuận lợi lớn nhất là tiếp cận được với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.”

Các hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức trong thời gian qua đều được tổ chức khá quy mô và tập trung chủ yếu là các sản phẩm OCOP của các địa phương trên địa bàn tỉnh, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm vùng DTTS, hàng Việt Nam chất lượng cao… Qua những hoạt động này, không chỉ tạo cơ hội cho doanh nghiệp, HTX và các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh quảng bá và tiêu thụ sản phẩm mà còn tạo cơ hội để người tiêu dùng được tiếp cận với các sản phẩm chất lượng có giá cả hợp lý.

Chị Trần Thị Yến – Người tiêu dùng bày tỏ: “Em thấy các mặt hàng nhiều, phù hợp cho mọi người tham quan mua sắm/ Em ấn tượng với các mặt hàng nhà làm, các sản phẩm đặc trưng, do người dân tự sản xuất như trái cây, cà phê…”

Cùng với kênh bán hàng truyền thống, các chủ thể sản phẩm OCOP của tỉnh Gia Lai đang tăng cường tham gia các kênh bán hàng, quảng bá sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội…Nhờ đó, các sản phẩm OCOP của Gia Lai dần mở rộng thị trường, tiếp cận được với nhiều người tiêu dùng và mang lại hiệu quả kinh doanh rõ rệt cho các cơ sở sản xuất, HTX và doanh nghiệp.

Chị Trần Thị Bé – Giám đốc Công ty TNHH Trần Lâm Gia Phát, TP. Pleiku cho biết: “Nền tảng của thương mại điện tử, kinh tế số đang tạo ra những cơ hội mới. Đây là những cái bắt buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi để bắt kịp với sự phát triển hiện tại. Từ việc vận dụng các nền tảng này giúp chúng tôi tiếp cận thêm được người tiêu dùng và giúp doanh nghiệp phát triển hơn.”

Hơn 300 sản phẩm OCOP được xây dựng đến thời điểm này là minh chứng cụ thể khẳng định được tiềm năng và lợi thế của tỉnh Gia Lai trong phát triển các sản phẩm đặc trưng. Và đây đang thực sự trở thành chương trình mang lại hiệu quả khi đã giúp những chủ thể của chương trình – là những cư dân khu vực nông thôn trở nên tự tin, chủ động trong sản xuất và dần trở thành những người kinh doanh đích thực. Và chính những kênh bán hàng đa dạng mà các chủ thể OCOP đang tiếp cận chính là đòn bẩy để sản phẩm đặc trưng của Gia Lai tìm thêm được nhiều chỗ đứng hơn trên thị trường.

Ngọc Hà – Duy Linh


Lượt xem: 17

Trả lời