Dưa hấu rớt giá, nông dân lao đao

Cập nhật 23/3/2014, 08:03:30

Trong những năm gần đây, diện tích cây dưa hấu ở các địa phương phía Đông Nam của tỉnh luôn tăng cao nhưng giá dưa hấu trên thị trường thì bấp bênh nên thu nhập của nông dân không ổn định. Đặc biệt, hiện giá dưa hấu trên thị trường xuống rất thấp nên nhiều nông dân bị thua lỗ, rơi vào cảnh lao đao, nợ nần. Phóng sự sau được thực hiện tại huyện KôngChro.

Người dân thu hoạch dưa hấu.

 

Trên địa bàn huyện KôngChro đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cây dưa hấu với tổng diện tích dao động từ 300 đến 500ha/vụ. Người trồng dưa trong huyện thường xuyên phải chịu hệ lụy từ điệp khúc “được mùa mất giá”, hay “được giá mất mùa”. Từ đầu vụ thu hoạch đến nay, giá dưa hấu trên địa bàn huyện luôn dao động theo chiều hướng không có lợi cho nông dân. Đầu vụ thu hoạch giá dưa ở mức 8.000 đồng/kg(đó là dưa tuyển, mỗi quả từ 5kg trở lên) nhưng đến thời gian cao điểm thu hoạch, giá chỉ còn 1.200 đến 1.500 đồng/kg; hiện nay giá có nhích lên nhưng không đáng kể. Chi phí đầu tư cho mỗi ha dưa hấu bình quân hơn 100 triệu đồng, nếu hộ nào phải thuê đất để trồng dưa thì chi phí tăng thêm khoảng 20 triệu đồng nữa, nhưng với giá dưa thấp như đã đề cập trên thì mỗi ha nông dân bị lỗ từ 50 đến 70 triệu đồng.

Anh Huỳnh Đắc Nhập- xã An Trung- huyện KôngChro nói:“ Việc trồng dưa của bà con năm nay gặp rất nhiều khó khăn. Chi phí đầu tư trồng chăm sóc mỗi sào dưa từ 10 triệu đến 14 triệu đồng, nếu mỗi ha dưa đạt năng suất 40 tấn, giá 1.200 đồng/kg thì lỗ cở 50 đến 70 triệu đồng/ha”                                                                                  

        Quá trình trồng, chăm sóc cây dưa hấu tốn rất nhiều công sức và kinh phí, nông dân phải ăn dầm ở dề ngoài đồng trong suốt 4 tháng liền trong một vụ. Nhưng đến thời điểm thu hoạch, nông dân ngao ngán vì giá dưa xuống quá thấp. Nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần vì dưa hấu như gia đình anh Phạm Văn Viện- thị trấn huyện KôngChro: Năm nay nhà tôi trồng 2ha dưa, tổng chi phí 200 triệu đồng mà bán dưa chỉ được 60 triệu thôi, lỗ hơn 100 triệu, anh Viện buồn rầu chia sẻ.

         Theo chị Dung- một trong những người chuyên mua dưa hấu ở huyện KôngChro để bán cho các thương lái Trung Quốc tại cửa khẩu Tân Thanh- Lạng Sơn thì người bán dưa ở Việt Nam thường xuyên bị thương lái Trung Quốc ép giá. Chị Nguyễn Thị Dung- Bình Sơn- Quảng Ngãi cho biết:  Bán dưa qua cửa khẩu lúc nào cũng bị thương lái Trung Quốc ép giá. Thứ hai là cửa khẩu Tân Thanh lúc cho qua, lúc không cho qua; có khi hai ba ngày mới cho qua một lần cả trăm xe, thương lái Trung Quốc thấy nhiều quá nên ép giá. Có lúc để dưa trên xe nhiều ngày chờ bán thì dưa bị hư, chảy nước nên phải bỏ đi nhiều…     

Người dân bán dưa cho thương lái.

                               

      Nhiều nông dân hay ví von “trồng dưa như đánh bạc”, nếu thời tiết thuận lợi, dưa đạt năng suất, giá cao thì có lời, còn không thì lỗ nặng. Điều này cho thấy, người nông dân phải “một nắng hai sương”, bỏ ra nhiều tiền của để làm ra sản phẩm nhưng quá phụ thuộc vào giá cả thị trường. Tìm đầu ra cho sản phẩm và đảm bảo giá cả ổn định cho nông dân là những vấn đề các ngành chức năng phải luôn quan tâm tìm lời giải hợp lý./.

Hà Đức-Duy Linh


Lượt xem: 54

Trả lời