Động lực phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS

Cập nhật 16/6/2023, 15:06:50

Với nhiều vùng, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai, đặc biệt là các vùng DTTS; nhờ hưởng lợi từ các chương trình với nhiều công trình, dự án được đầu tư triển khai đã góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; qua đó từng bước thu hẹp dần khoảng cách giữa vùng thuận lợi với vùng khó khăn, vùng DTTS của tỉnh.

Từ năm 2022, anh Kpă Dan cũng như nhiều bà con DTTS khác ở làng Queng Mép, xã Dun, huyện Chư Sê yên tâm canh tác 02 vụ lúa nước mỗi năm nhờ nguồn nước thủy lợi được dẫn qua kênh mương Ia My của làng được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Có nước, vừa có thể canh tác thêm vụ, đồng thời năng suất lúa của bà con cũng đạt hơn so với nhiều năm trước.

Anh Kpă Dan – Làng Queng Mép, xã Dun, huyện Chư Sê bộc bạch: “Trước không có mương này thì ít lắm, ít lúa hơn; nay có mương đủ nước là lúa nó đạt hơn, nhiều hơn. Hồi trước cũng được 2 vụ nhưng đợt có mưa thì nó nhiều hơn, còn mùa nắng như vừa rồi thì ít.”

Với tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm 50% số dân của xã, sản xuất nông nghiệp lại chủ yếu là làm lúa nên đời sống của người dân ở xã Dun vẫn còn khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo của xã đến cuối năm 2022 vẫn còn hơn 11% (với 113 hộ), toàn xã còn 14 nhà dột nát. Từ nhiều nguồn vốn, đặc biệt là vốn thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn, xã Dun đã ưu tiên hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo, nhất là hộ nghèo đồng bào DTTS nhằm tạo điều kiện để các hộ có chỗ ở ổn định, an tâm làm ăn, phát triển kinh tế.

Anh Lê Siu Long –  Làng Queng Mép, xã Dun, huyện Chư Sê nói: “Bên chỗ tổ thợ cũng kêu gọi anh em trong tổ vừa làm theo chính sách của Nhà nước, của xã; đồng thời cũng hỗ trợ giúp cho gia đình, tại vì gia đình trong thôn và trên địa bàn của xã là những hộ khó khăn.”

Không nằm ngoài mục tiêu giảm nghèo, tạo động lực cho sự phát triển; các chương trình, dự án được hỗ trợ đầu tư triển khai trên điạ bàn xã Dun, huyện Chư Sê đều trên tinh thần dân chủ trong việc lựa chọn đối tượng cũng như thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu để qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Cùng với đó là thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án; huy động tối đa các nguồn lực, sự ủng hộ, đóng góp của nhân dân; quản lý, sử dụng nguồn vốn đúng quy định, tránh thất thoát, lãng phí.

Anh Đinh Gít – Xã Dun, huyện Chư Sê bày tỏ: “Làm đường thì cũng đỡ, sạch sẽ. Có đường mới thì bà con qua lại cũng tiện hơn.”

Ông Lê Đình Tuyền – Chủ tịch UBND xã Dun, huyện Chư Sê cho biết: “Đối với xã thì bây giờ tập trung đi sâu vào 1 số tiêu chí quan trọng như là đường giao thông nông thôn, thứ 2 là xóa nhà dột nát và thứ 3 là hỗ trợ về việc làm. Thì bây giờ phải từng tiêu chí 1, tiêu chí nào chưa đạt thì mình phải phân tích, đánh giá từng tiêu chí để rồi những vấn đề nào mà còn khó khăn, còn vướng mắc xã sẽ có biện pháp, giải pháp khắc phục.”

Đầu tư phát triển vùng DTTS là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài nhằm thúc đẩy sự phát triển của địa phương, đồng thời góp phần đảm bảo ổn định xã hội. Sự hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền địa phương là rất quan trọng nhưng yếu tố quyết định đến sức phát triển trong vùng đồng bào DTTS vẫn chính là sự nỗ lực tự vươn lên của chính mỗi người dân. Và sự nỗ lực ấy sẽ cho “quả ngọt” khi bà con nhận thức đúng, hiểu đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chung sức đồng lòng với ý thức, trách nhiệm và cả tâm huyết để cùng xây dựng địa phương, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, phát triển./.

Mỹ Tiến – Duy Linh


Lượt xem: 9

Trả lời