Đối ngoại Gia Lai – Từ ngoại giao văn hóa đến kết nối phát triển kinh tế

Cập nhật 07/10/2021, 17:10:23

Gia Lai – vùng đất đầy nắng và gió với đất đỏ bazan cùng sắc vàng rực rỡ của hoa dã quỳ. Vùng đất Gia Lai với đa dạng sắc màu văn hóa được hội tụ bởi 44 dân tộc anh em cùng sinh sống với những bản sử thi, anh hùng ca hoành tráng, hay âm thanh trầm hùng của tiếng cồng, tiếng chiêng vang vọng núi rừng Tây Nguyên. Nhờ thực hiện tốt công tác ngoại giao văn hóa, Gia Lai đã được biết đến không chỉ là miền văn hóa lung linh sắc màu mà còn là vùng đất đầy tiềm năng, thế mạnh cùng hệ thống giao thông suốt với những tuyến Quốc lộ huyết mạch như: 14, 19, 25, Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh… kết nối với các tỉnh, thành trong cả nước và trong Khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào -Campuchia. Nhân kỷ niệm 5 năm thành lập Sở Ngoại vụ Gia Lai (10/10/2016 – 10/10/2021), chúng ta cùng nhìn lại công tác đối ngoại của tỉnh qua phóng sự sau.

Tỉnh Gia Lai thường xuyên tổ chức các hoạt động, hội nghị xúc tiến đầu tư ở trong tỉnh, trong nước và nước ngoài để thu hút các nhà đầu tư.

Trên cơ sở Chỉ thị số 41 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về “tăng cường công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, tỉnh Gia Lai đã cụ thể hóa và ban hành nhiều cơ chế thông thoáng từ thủ tục pháp lý đến chính sách hỗ trợ để thu hút các doanh nghiệp đến với địa phương. Đồng thời, tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động, hội nghị xúc tiến đầu tư ở trong tỉnh, trong nước và nước ngoài để thu hút các nhà đầu tư. Hiện nay, tỉnh Gia Lai đã thiết lập, xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác với 09 tổ chức, địa phương của 04 nước (CH Séc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa kỳ) với 10 thỏa thuận được ký kết. Duy trì, thiết lập quan hệ hợp tác với 18 cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, 08 tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đồng thời củng cố, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu nhằm tranh thủ sự hỗ trợ quảng bá, kết nối đầu tư. Cùng với đó, tỉnh Gia Lai tổ chức nhiều hoạt động gặp gỡ, xúc tiến theo hình thức trực tuyến để phù hợp với bối cảnh dịch Covid-19. Qua đó, đã thu hút làn sóng của các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước và quốc tế đầu tư vào địa bàn tỉnh Gia Lai ngày càng tăng.

Tiến sĩ Lê Hoàng Thế – Chi hội trưởng Chi hội Đồng bằng sông Cửu Long, Hiệp hội Doanh  nhân người Việt Nam ở nước ngoài cho biết: “Các bạn đã rút ngắn được thời gian và khoảng cách địa lý, vượt qua các rào cản về ngôn ngữ cũng như tập quán, tiếp cận với các tập đoàn đa quốc gia, các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên thế giới. Gia Lai luôn đồng hành cùng với các nhà đầu tư để tháo gỡ những nút thắt, nhanh chóng, cụ thể và kịp thời; thổ nhưỡng, nguồn lao động trẻ được đào tạo có tay nghề, năng động là lợi thế của tỉnh Gia Lai và cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư, trong đó có chúng tôi”.

Trong những năm gần đây, 2 lĩnh vực được rất nhiều doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và quốc tế rất quan tâm đầu tư là nông nghiệp và năng lượng tái tạo. Từ các dự án đầu tư đã góp phần đưa ngành Nông nghiệp của tỉnh chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng. Đến năm 2020 giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp đạt gần 30.200 tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh Gia Lai đã có 2 sản phẩm xuất khẩu sang thị trường EU theo Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) là chanh leo và cà phê.

Ông Đinh Văn Tĩnh, Phó Giám đốc Nhà máy Doveco Gia Lai cho biết: “Điều kiện khí hậu ở Gia Lai có độ cao trung bình từ 700 đến 800 so với mực nước biển, có lượng mưa trung bình từ 150mm đến 250 mm và nhiệt độ bình quân từ 22 đến 250C nên rất phù hợp với các loại cây công nghiệp ngắn và dài ngày phục vụ cho chế biến; ngoài ra thổ nhưỡng của Gia Lai cũng rất phù hợp để chúng tôi mở rộng vùng nguyên liệu”.

Đặc biệt, những năm gần đây, Gia Lai được biết đến như là thủ phủ của năng lượng tái tạo với các dự án điện gió, điện mặt trời có quy mô, công suất lớn. Hiện đã có 2 dự án điện mặt trời đi vào vận hành với tổng công suất 84 MWp, 17 dự án điện gió dự kiến sẽ đưa vào vận hành vào cuối năm nay với tổng công suất hơn 1.242 MW. Các dự án năng lượng tái tạo được xem là bước đi mới, tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Gia Lai trong thời gian tới đây.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Kỹ thuật Dự án Điện gió Ia Pếch 1 và 2, huyện Đak Đoa nói: “Dự án của chúng tôi bắt đầu triển khai từ cuối tháng 12/2020. Và từ khi nhận được chủ trương của tỉnh thì chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ UBND tỉnh và chính quyền địa phương các cấp cùng các sở, ngành ở tỉnh đã hỗ trợ tích cực về mặt pháp lý để chúng tôi có thể triển khai dự án một cách suôn sẻ”.

Không chỉ đối ngoại về văn hóa, kinh tế mà tỉnh Gia Lai còn đặc biệt chú trọng công tác đối ngoại Nhân dân, giữ mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, phát triển giữa các tỉnh trong Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia.

Ngài Thong Sa Vun – Tỉnh trưởng tỉnh Mondulkiri, Nguyên Tỉnh trưởng Ratanakiri, Vương quốc Campuchia cho biết: “Hy vọng Sở Ngoại vụ Gia Lai sẽ tiếp tục tham mưu tốt hơn nữa cho tỉnh để xây dựng, phát triển tình đoàn kết hữu nghị đã có từ lâu giữa hai dân tộc; tiếp tục phát huy nâng cao hiệu quả các chương trình hợp tác để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội giữa hai tỉnh và hai đất nước”.

Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai cũng đã thực hiện tốt công tác vận động viện trợ từ các nguồn vốn phi chính phủ nước ngoài. Từ năm 2017 đến nay đã có 44 tổ chức PCPNN triển khai 40 dự án trên địa bàn tỉnh với tổng số vốn cam kết là gần 9.3 triệu USD, tương đương gần 214 tỷ đồng và đã mang lại hiệu quả thiết thực, hỗ trợ giúp trực tiếp cho người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em…

Ông Nadav Eshcar, Đại sứ Israel tại Việt Nam cho biết: “Có nhiều hơn một nguyên nhân chúng tôi chọn nơi này, trước hết, đây là tỉnh rộng lớn nhất của Việt Nam, với những giá trị lịch sử độc đáo và tiềm năng kinh tế thú vị để có thể hợp tác với Israel. Đó là cơ hội học hỏi quý để tôi tới thăm tận mắt và làm việc với tỉnh. Và chúng tôi đã tìm thấy những tiềm năng hợp tác, phát triển giữa Israel với Việt Nam nói chung, và với tỉnh Gia Lai nói riêng”.

Thông qua công tác đối ngoại, nhiều chương trình hợp tác, dự án đã được đầu tư triển khai trên địa bàn; góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội ở địa phương phát triển. Giai đoạn 2015 – 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hằng năm đạt 7,83%. GRDP đến năm 2020 đạt 80.990 tỷ đồng, gấp 1,65 lần so với năm 2015. Vị thế của tỉnh Gia Lai ngày càng được nâng cao và khẳng định trong khu vực Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay đòi hỏi công tác đối ngoại của tỉnh cần tiếp tục có những đổi mới.

Đồng chí Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai trao đổi: “Để làm tốt công tác đối ngoại trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thì tôi thấy rằng Sở Ngoại vụ cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ. Thứ nhất là, tiếp tục tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo và nắm bắt được các thông tin về tình hình kinh tế – xã hội, các biến động của thế giới và trong khu vực. Qua đó, để chúng ta nắm bắt được các xu hướng phát triển của các nước để vận dụng tham mưu cho UBND tỉnh các vấn đề mà chúng ta cần quan tâm trong công tác đối ngoại. Thứ hai là tiếp tục nghiên cứu và cụ thể hóa thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đối ngoại, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh; đặc biệt là các chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh”.

Từ ngoại giao, giao lưu văn hóa đến ngoại giao kinh tế, bức tranh tổng thế nền kinh tế Gia Lai đang có sự chuyển dịch rõ rệt. Những kết quả nổi bật này thể hiện sự quyết tâm cao, cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ đối ngoại tại địa phương cũng như sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các sở, ban, ngành. Những kết quả đạt được trong giai đoạn 2016 – 2020 và những mục tiêu, nhiệm vụ đã xác định cho giai đoạn tới trong công tác đối ngoại, tỉnh Gia Lai hy vọng sẽ tiếp tục đón thêm những làn sóng đầu tư mới để góp phần tăng cường vị thế của địa phương và sớm hoàn thành được mục tiêu trở thành vùng động lực ở khu vực Tây Nguyên./.

Đức Hải, Thanh Sáng


Lượt xem: 170

Trả lời