Đổi mới tổ chức và quản lý để phát triển các hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn

Cập nhật 11/8/2017, 08:08:30

Với 46 hợp tác xã (HTX) hiện đang hoạt động; nông nghiệp là lĩnh vực có số lượng HTX nhiều nhất trong tổng số 121 HTX của toàn tỉnh Gia Lai cho đến thời điểm này. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, không ít các HTX nông nghiệp tại một số địa phương chỉ hoạt động cầm chừng bởi yếu về nguồn vốn cũng như yếu cả về năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành HTX. Chính từ thực tế này mà đổi mới tổ chức và quản lý các HTX trong nông nghiệp, nông thôn là điều cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể của địa phương – một trong những tiêu chí để hoàn thành chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

Với 2 dịch vụ chính là dịch vụ thủy nông và tín dụng nội bộ, HTX nông nghiệp Tân An (ở xã Tân An, huyện Đak Pơ) hiện là HTX nông nghiệp duy nhất còn hoạt động trong tổng số 03 HTX nông nghiệp của Đak Pơ được thành lập từ những ngày đầu phát triển mô hình kinh tế tập thể này ở địa phương. Thế nhưng so với các HTX cùng lĩnh vực ở những địa phương khác cũng như các HTX ở những lĩnh vực khác thì hoạt động của HTX nông nghiệp Tân An cũng đang rất bấp bênh. Theo điều lệ hoạt động của HTX thì mỗi thành viên góp vốn thấp nhất là 300 ngàn đồng và nhiều nhất là 20 triệu đồng; thế nhưng cho đến nay, người góp nhiều nhất cũng chỉ 2,4 triệu đồng nên nguồn vốn rất hạn chế. Bên cạnh đó, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành HTX cũng còn hạn chế.

Ông Nguyễn Văn Trọng – Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân An, xã Tân An, huyện Đak Pơ, Gia Lai cho biết: “Cái khó khăn lớn nhất của HTX hiện nay đó là con người. Hiện nay nguồn nhân lực đối với HTX rất hạn chế, về trình độ thì hầu như người trẻ không tham gia do điều kiện thu nhập thấp. Do điều kiện quản lý trước đây như thế nào không biết nhưng bây giờ họ để lại một khoản nợ khá nhiều, cho nên xử lý những khoản nợ này cũng còn gặp nhiều khó khăn. Các hoạt động gần đây thì đều có lãi, không nhiều thì ít nhưng không đủ bù lỗ cho những năm trước.

– Hình ảnh HTX rau sạch ở An Phú, TP.Pleiku”.

Sau chuyển đổi, đăng ký lại theo Luật HTX năm 2012, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tổ chức lại bộ máy quản lý, điều hành tinh giản, gọn nhẹ. Công tác quản lý tài chính, tài sản từng bước đi vào nề nếp. Ngoài thực hiện được các dịch vụ thiết yếu, một số HTX bắt đầu hỗ trợ cho các thành viên áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất và bao tiêu các sản phẩm nông nghiệp bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Một số HTX đã thực hiện liên kết với các doanh nghiệp để tham gia vào các chương trình sản xuất công nghệ cao, sạch, an toàn để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho thành viên, tăng đầu tư, tích lũy cho HTX. Tuy nhiên thực tế hiện nay, các HTX đều yếu và thiếu về vốn nên gặp nhiều khó khăn trong việc cung ứng sản phẩm, tiếp cận vốn do không có tài sản thế chấp…

Ông Nguyễn Ngọc Hoàng – GĐ Công ty TNHH MTV Hương Đất, xã An Phú, TP.Pleiku, Gia Lai cũng cho biết: “Khó khăn là điều không tránh khỏi, việc đầu tư cho mô hình tốn nhiều kinh phí tuy nhiên doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ cho nông nghiệp công nghệ cao”.

Kinh tế hợp tác thì người dân vẫn còn chưa mặn mà, và với sự thiếu linh hoạt, nhạy bén trong ý tưởng cũng như trong điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý nên hoạt động của không ít các HTX từ nhiều năm nay vẫn như dậm chân tại chỗ. Hi vọng trong thời gian tới, các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác mà nòng cốt là HTX nông nghiệp sẽ đổi mới toàn diện cả về nội dung và hình thức, hoạt động ngày càng hiệu quả hơn; góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương./.

Mỹ Tiến – Đặng Trà

 

 


Lượt xem: 62

Trả lời