Đội cồng chiêng nhí kế thừa và phát huy văn hóa dân tộc

Cập nhật 08/11/2023, 10:11:30

Bao đời nay, văn hóa cồng chiêng có vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên. Để tiếp nối trao truyền, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc này, tỉnh Gia Lai đã thành lập được nhiều đội cồng chiêng nhí hoạt động có hiệu quả trong trường học cũng như tại các thôn, làng, theo đó vai trò của thế hệ trẻ được đặt lên hàng đầu.

Thường vào cuối tuần, trước nhà sinh hoạt cộng đồng làng Blang 3, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai lại rộn ràng hơn khi các thanh thiếu nhi trong làng cùng tập trung để tập cồng chiêng. Mặc dù chỉ là luyện tập, nhưng em nào cũng háo hức và nghiêm túc làm theo hướng dẫn của nghệ nhân trong làng. Hiện nay, đội cồng chiêng nhí làng Blang 3 có 18 thành viên là nam và đội múa xoang có 18 thành viên là nữ. Tuy mới ra mắt chính thức được gần 1 năm nay nhưng đội cồng chiêng nhí của làng Blang 3 đã được hình thành hơn chục năm nay và có nhiều thế hệ tham gia.

Em Puih Nay Thiên – Làng Blang 3, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai chia sẻ: “Em đã học cồng chiêng 3 năm rồi, em rất mong muốn là sau này có thể chỉ dạy lại cho các em nhỏ/ Lúc đầu em học rất khó nhưng được thầy chỉ dạy nên em thấy dễ hơn nhiều.”

Là người gắn bó với đội cồng chiêng nhí của làng Blang 3 từ những ngày đầu tiên, nghệ nhân Puih Dup đã truyền dạy lại cách biểu diễn cồng chiêng cho lớp trẻ bằng tất cả sự nhiệt huyết và tận tâm của mình. Cứ thế lớp lớp trẻ con của làng lớn lên với tình yêu, sự gắn bó với thanh âm trầm bổng của cồng chiêng.

Nghệ nhân Puih Dup – Làng Blang 3, xã Ia Der, huyện Ia Grai phẩn khởi nói: “Là người Jrai thì mình phải duy trì, không để mất bản sắc của người đồng bào mình. Khi mình dạy mình cũng cố gắng làm sao cho mấy đứa nhỏ nó học được, miễn sao mất đứa nhỏ nó tập được nên mình ráng. Tháng này chưa được thì tháng sau nó tập được. Tôi cũng cảm ơn mấy đứa nhỏ cũng đã tập chăm chỉ, cố gắng. Sau này tuổi mình già đi, không có sức đánh nữa thì bọn nhỏ này sẽ đi.”

Tại Gia Lai, mỗi huyện có ít nhất từ 1 – 2 đội cồng chiêng nhí. Đặc biệt, nhiều trường học có đông học sinh là người dân tộc thiểu số cũng đã thành lập những đội cồng chiêng, sinh hoạt và tham gia biểu diễn tại một số chương trình văn hóa tại địa phương. Được biết, từ đầu năm đến nay, Hội đồng Đội các cấp trong tỉnh cũng đã thành lập được 17 đội cồng chiêng nhí.

Em Guin – Lớp 6B, Trường TH số 2, xã Glar, huyện Đak Đoa bày tỏ: “Con cũng mới học cồng chiêng thôi những thấy rất vui, con sẽ cố gắng học tốt để chỉ lại cho các em.”

Để những đội cồng chiêng nhí được phát triển thì vai trò của nghệ nhân truyền dạy cũng rất quan trọng. Không chỉ truyền lửa đam mê mà các nghệ nhân còn tích cực truyền dạy, cổ vũ, động viên lớp trẻ phải biết gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Để tiếng cồng, tiếng chiêng mãi ngân vang.

Nghệ nhân ưu tú A Lip – Xã Glar, huyện Đak Đoa nói: “Cha mình, chú bác mình đã dạy mình. Nhớ lại như vậy nên mình cố gắng dạy cách biểu diễn cồng chiêng cho mấy đứa nhỏ, sợ nó bỏ. Bản thân mình luôn trăn trở điều đó. Năm nào mình cũng dạy ở nhà mình, mấy đứa nhỏ nó thích. Truyền thống hồi xưa sao mà bỏ được. Nhiều đứa học cũng nhanh lắm, tập cũng nhanh.”

Việc hình thành và phát triển những đội cồng chiêng nhí đã góp phần xây dựng được đội ngũ kế thừa để phát huy văn hóa quý báu của dân tộc cũng như giữ gìn Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên mãi trường tồn với thời gian.

Linh Chi – Minh Trung


Lượt xem: 84

Trả lời