Độc đáo phục dựng nghi thức “Lễ Cúng năm mới” tại huyện Kông Chro

Cập nhật 19/4/2022, 08:04:37

Nhằm tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”; đồng thời góp phần bảo tồn văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Bahnar trên địa bàn tỉnh Gia Lai, vừa qua tại xã Đăk Tơ Pang, huyện Kông Chro, Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San phối hợp với UBND huyện Kông Chro tổ chức phục dựng nghi thức “Lễ Cúng năm mới”. Từ những hoạt động rất thiết thực này, nhiều giá trị truyền thống, văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc được bảo tồn và hướng đến mục tiêu phát triển thành sản phẩm du lịch cộng đồng.

Đối với cộng đồng dân tộc Bahnar, lễ Cúng năm mới là nghi lễ vừa thể hiện tấm lòng thành của dân làng với các thần linh, đồng thời thể hiện tình đoàn kết gắn bó giữa các thành viên, tạo nên sức mạnh của cộng đồng; là sự giao hòa giữa người với người, giữa con người với thiên nhiên tạo vật và đáp ứng nhiều mong mỏi khác từ cuộc sống sinh hoạt và lao động sản xuất của người dân từ xa xưa cho đến nay. Phục dựng “lễ Cúng năm mới” là hoạt động tái hiện thực tế phong phú, đa dạng của các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc Bahnar, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống; qua đó, thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Lễ vật cúng gồm có 2 con heo, 2 con gà trống lớn, thịt heo nướng, 3 ghè rượu lớn cúng cho làng. Một thầy cúng là già làng và 3 người phục vụ là những người được dân làng tín nhiệm.

Ông Đinh Văn Phíp – Thầy cúng làng Đăk Hway, xã Đăk Tơ Pang, huyện Kông Chro cho biết: ‘Hôm nay già vui lắm, vì được sống lại không gian văn hóa đặc trưng của người Bahnar mình, mình mong muốn rằng không chỉ ở làng mình, xã mình mà cả cộng động người Bahnar trên địa bàn tỉnh cũng có những buổi lễ như thế này, đây cũng là cách để thế hệ trẻ tiếp nối và giữ gìn bản sắc văn hóa của người Bahnar. Lễ Cúng đầu năm xin Yàng cho người dân sức khỏe rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người Bahnar. Nghi lễ này còn là dịp để dân làng xin Yàng ban cho người dân trong cộng đồng được mạnh khỏe, không bị bệnh tật quấy nhiễu để rắn rỏi đôi chân lên nương, lên rẫy”.

Lễ Cúng năm mới là phong tục độc đáo của người Bahnar, đây cũng là dịp để những thành viên trong cộng đồng sum họp, thêm gắn kết nhau. Lễ vật cúng do tất cả người dân trong làng đóng góp, điều đó thể hiện sự đoàn kết và trách nhiệm của từng thành viên cho lễ cúng. Lễ cúng là điểm tựa tinh thần cho người dân nên dân làng nơi đây luôn giữ lại những lễ cúng năm mới, cúng sức khỏe như một nét đẹp văn hóa.

Ông Đinh Văn Súy – Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết: “Lễ hội cúng mừng năm mới là một lễ hội truyền thống lâu đời của đồng bào các dân tộc TN nói chung và của người Bahnar huyện Kông Chro nói riêng, đây là lễ hội có ý nghĩa hết sức quan trọng thể hiện tình đoàn kết trong nhân dân, lễ hội này để bà con tạ ơn đối với thần linh mong làm sao năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu . Thông qua lễ phục dựng cúng mừng năm mới ngày hôm nay cũng nhằm quảng bá phong tục, truyền thống tốt đẹp của người Bahnar gắn với phát triển du lịch cộng đồng, Thời gian tới mong rằng, chính quyền các cấp quan tâm hơn nữa tổ chức phục dựng không riêng gì lễ cúng mừng năm mới mà các lễ hội truyền thống tốt đẹp khác của người Bahnar trên địa bàn huyện Kông Chro”.

Thời gian qua, Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San thường xuyên phối hợp với các huyện tổ chức phục dựng các nghi lễ với mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa truyền thống một cách đúng hướng. Thông qua các hoạt động này giúp cộng đồng các dân tộc có ý thức hơn việc gìn giữ trong quá trình kế thừa và phát huy giá trị di sản cha ông để lại. Với tinh thần dựa vào văn hóa để phát triển du lịch, và khi du lịch được xác định trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh thì yêu cầu phát triển du lịch bền vững gắn liền với bảo tồn giá trị di sản văn hóa càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Ông Nguyễn Ngọc Long – Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San cho biết: “Trong thời gian qua, nhà hát đã tiến hành công tác phục dựng, từ năm 2019 đến nay đã tổ chức các lễ phục dựng như cúng bến nước, mừng nhà rông mới .., thông qua lễ phục dựng như thế này mong muốn bà con các dân tộc ý thức một điều là đối với vốn văn hóa của mình thì hết sức gìn giữ, và bên cạnh đó là sự quan tâm của Đảng và nhà nước cùng đồng hành, cùng hỗ trợ bà con để làm sao đó chúng ta bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa này để đưa tinh thần sức mạnh văn hóa trong nhân dân mà bên cạnh đó chúng ta còn đưa bản sắc văn hóa này để chúng ta phát triển du lịch”.

Cuộc sống của đồng bào dân tộc Bahnar sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã dần văn minh hơn, tiếp cận với nền văn hóa hiện đại. Trải qua thăng trầm của thời gian, nhưng lễ cúng mừng năm mới vẫn còn nguyên bản như ngày xưa, phong tục tập quán tốt đẹp mang đậm giá trị văn hóa của dân tộc vẫn được đồng bào lưu giữ cho thế hệ mai sau. Bên cạnh đó, phục dựng các lễ hội truyền thống của các dân tộc còn góp phần quảng bá các giá trị đặc biệt của “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” để thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với tỉnh nhà.

CTV Đức Thành


Lượt xem: 35

Trả lời