Doanh nghiệp và những khó khăn sau vụ hỏa hoạn

Cập nhật 02/10/2016, 11:10:49

Theo báo cáo của phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ công an tỉnh Gia Lai, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã xảy ra 40 vụ cháy, thiệt hại hơn 90 tỷ đồng, trong đó có 2 vụ cháy xưởng gỗ, làm thiệt hại trên 1,2 tỷ đồng. Các cơ sở chế biến, sản xuất gỗ được xem là nơi rất dễ phát sinh cháy và nếu sự cố xảy ra sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển ổn định của doanh nghiệp, nhất là tài chính. Thực tế này đã xảy ra ở một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Pleiku.

1-10-chay

Kể từ khi xảy ra vụ cháy xưởng gỗ vào ngày 27/1/2016 đến nay thì doanh nghiệp tư nhân Nam Cường ở tổ 6, phường Chi Lăng, thành phố Pleiku đã cơ bản đi vào hoạt động ổn định. Tuy nhiên, những ấn tượng nặng nề về vụ cháy dường như vẫn còn nguyên vẹn đối với người lao động và nhất là chủ doanh nghiệp này.

Anh Lê Văn Thư, chủ doanh nghiệp tư nhân Nam Cường cho biết: “ Khoảng 2h30’ sáng, khi đang ở nhà thì anh em điện thoại báo xảy ra cháy ở công ty. Khi đó tại công ty có 2 anh em đang trực đốt lò và bảo vệ. Lúc xảy ra cháy, anh em cũng đã sử dụng vòi xịt nước để chữa cháy nhưng do cháy lớn quá nên không thể. Doanh nghiệp điện thoại ngay cho lực lượng phòng cháy chữa cháy công an tỉnh xuống. Đơn vị cử 3 xe xuống, chữa đến 6h sáng thì dập tắt lửa và đến 8h30 mới dập tắt hoàn toàn”.

Thiếu tá Đậu Văn Huy-Đội trưởng Đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ-Phòng CS PCCC&CNCH CA tỉnh cho biết: “Vụ cháy lò sấy DNTN Nam Cường là một trong những vụ cháy điển hình trong việc chữa cháy ở các DN chế biến gỗ nói chung. Đối với vụ này, chúng tôi huy động tất cả lực lượng tại đơn vị tham gia. Khi đến thì đám cháy rất lớn đã lan sang các lò lân cận. Ngoài lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp thì lực lượng chữa cháy cơ sở tham gia rất hiệu quả như vận chuyển tài sản, máy móc ra khu vực an toàn”.

Hậu quả vụ cháy do chập điện ở xí nghiệp gỗ Nam Cường khá lớn. 3 lò sấy, 75 m3 gỗ cao su chuẩn bị xuất xưởng bị thiêu rụi, nhiều thiết bị, phương tiện ảnh hưởng nghiêm trọng với tổng thiệt hại lên đến 850 triệu đồng. Ngoài nỗi lo thấp thỏm cháy nổ  thì việc đầu tư số tiền lớn như vậy để xử lý toàn bộ hệ thống điện thắp sáng, điện sản xuất, hạ tầng làm việc và nhiều hạng mục khác cũng đang làm doanh nghiệp đau đầu. Thêm vào đó đến thời điểm này, sau nhiều lần làm việc, doanh nghiệp vẫn chưa thể nhận tiền bảo hiểm cháy nổ. Đây cũng là cái khó của doanh nghiệp trong thời điểm kinh doanh chật vật như hiện nay.

Theo cơ quan chức năng, một trong những báo động phòng chống cháy ở các cơ sở chế biến, sản xuất gỗ trên địa bàn tỉnh Gia Lai đó là vẫn còn tình trạng mất an toàn trong sử dụng điện. Việc sử dụng rất nhiều thiết bị, máy móc phát sinh nguồn nhiệt cộng với đó là hệ thống điện đấu nối điện tùy tiện, rất dễ xảy ra chập điện. Thêm vào đó là mùn cưa, phôi bào tích tụ, ứ đọng…tạo nguy cơ cháy rất cao. Có thể nói rằng, bài học của các vụ cháy thường phải trả một cái giá rất đắt về tài sản, sự phát triển ổn định của doanh nghiệp, thậm chí là cả tính mạng con người. Và đây cũng chính là thông điệp để mỗi đơn vị, cá nhân có sự nhìn nhận đúng hơn về công tác phòng chống cháy nổ./.

Thu Thủy,  R’Piên


Lượt xem: 74

Trả lời