Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tham gia nhiều ý kiến vào dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Cập nhật 25/10/2021, 18:10:45

Như thông tin đã đưa, trong sáng nay (25/10), sau phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã chia tổ thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Tại  điểm cầu tỉnh Gia Lai, dưới sự chủ trì của đồng chí Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã có nhiều ý kiến góp ý vào dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Tại điểm cầu tỉnh Gia Lai, dưới sự chủ trì của đồng chí Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã có nhiều ý kiến góp ý vào dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Tham gia đóng góp ý kiến đối với dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đều đồng tình và thống nhất cao với việc tiến hành sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm sau 20 năm thực hiện để phù hợp với điều kiện thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước. Qua đây, các đại biểu cũng đề nghị cần phải sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số nội dung không cần thiết trong dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được đưa ra.

Đại biểu Đinh Văn Thê, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai nêu ý kiến: “Doanh nghiệp tái bảo hiểm đã được quy định tại Khoản 1, Điều 76 dự thảo và phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản trước khi thay đổi. Do đó, việc thông báo trước khi thay đổi điều lệ hoạt động sẽ dẫn đến phát sinh thêm thủ tục cho doanh nghiệp. Do vậy, tôi đề xuất nghiên cứu nên bỏ Điểm a, khoản 2, Điều 76 của dự thảo hoặc có thể quy định về việc đăng tải thông tin điều lệ sửa chữa, bổ sung của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm trên mạng thông tin điện tử của doanh nghiệp. Tôi cũng đề nghị cơ quan soạn thảo thuyết minh rõ phạm vi bảo hiểm bắt buộc của từng sản phẩm, việc áp dụng tiêu chí về bảo hiểm bắt buộc có thể đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung, tên gọi của sản phẩm bảo hiểm để phù hợp với thực tế. Đề nghị cần rà soát, làm rõ các quy định tại Chương 2 về hợp đồng bảo hiểm, như là hình thức loại hình bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, đơn phương chấm dứt hợp đồng”.

Đại biểu Rơ Châm H’Phik, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cũng nêu: “Việc đăng ký kinh doanh ngành nghề nói chung, hoạt động bảo hiểm nói riêng chỉ mang tính chất là việc thực hiện nghĩa vụ đăng ký thành lập doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh; không phải là cơ sở xem xét hoạt động  của đại ký bảo hiểm có đủ điều kiện hay không. Thì đối với nội dung, đối với các tổ chức hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì giấy phép, giấy chứng nhận hoặc văn bản xác định chấp nhận khác (nếu có) của cơ quan có thẩm quyền có nội dung hoạt động của đại lý bảo hiểm nêu trong khoản này chưa thể hiện rõ được nội dung cần quản lý, giấy phép, giấy chứng nhận hoặc văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền đối với tổ chức hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện thường không có liên quan hoặc có đề cập đến hoạt động của đại lý bảo hiểm thì đối với nội dung đề xuất là cần có nội dung tại Điểm B, Khoản 2, Điều 117 của dự thảo”.

Đại biểu Châu Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai phát biểu: “Tôi thống nhất ở Điều 9, Bảo hiểm bắt buộc thì hiện nay có 2 loại hình bảo hiểm bắt buộc cần phải thuyết minh, làm rõ phạm vi bảo hiểm của từng sản phẩm bảo hiểm bắt buộc, rồi việc đáp ứng tiêu chí về bảo hiểm bắt buộc để có cơ sở chúng ta tiếp tục thảo luận. Tôi thống nhất với các quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo luật hướng tới đối tượng thu nhập thấp, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi, vùng cao nhằm bảo vệ họ trước những rủi ro có thể xảy ra. Vấn đề hiệu lực thi hành của Luật của Điều 156 thì tôi thống nhất, cần đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các biện pháp quản lý trong trường hợp sau 5 năm thì các doanh nghiệp bảo hiểm không thực hiện đầy đủ các quy định tại dự thảo Luật thì sẽ như thế nào?”.

Trong chiều nay (25/10), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Đức Hải, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã tiến hành phiên thảo luận trực tuyến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Theo đó, các đại biểu đều thống nhất và cho rằng việc tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê qua 5 năm triển khai thực hiện là rất cần thiết nhằm đảm bảo thống nhất, khách quan số liệu từ Trung ương đến địa phương cũng như giữa các bộ, ngành, địa phương. Qua đây, các đại biểu cũng đề nghị điều chỉnh, sửa đổi một số chỉ tiêu theo từng nhóm, ngành, lĩnh vực và sửa đổi phương thức thống kê sau khi nâng từ 180 chỉ tiêu lên 220 chỉ tiêu thống kê trong dự án luật nhằm cập nhật, cung cấp thông tin, số liệu một cách chính xác, khách quan nhất. Từ đó, làm cơ sở cho việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước cũng như của từng ngành, lĩnh vực, địa phương trong thời gian tới.

Tại phiên thảo luận trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình, làm rõ các vấn đề mà các đại biểu nêu./.

Đức Hải, Thanh Sáng


Lượt xem: 9

Trả lời