Đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai

Cập nhật 13/1/2018, 09:01:38

Ngày 12/1, Đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do ông Lưu Văn Đức – Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai để khảo sát về tình hình triển khai thực hiện chính sách pháp luật về Trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2020 tại địa phương. Tiếp và làm việc với đoàn có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Huỳnh Nữ Thu Hà, lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Gia Lai là tỉnh miền núi với 65 xã và 287 thôn, làng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ dân cư là người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 44%; tỷ lệ hộ nghèo chiếm tỷ lệ 19,7%. Thực hiện Quyết định số 32 ngày 8/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Triển khai thực hiện chính sách pháp luật về Trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2020, năm 2017, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Gia Lai đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho 130 người dân tộc thiểu số; trợ giúp 130 vụ việc phức tạp điển hình có hình thức tham gia tố tụng hình sự trên tổng số 436 vụ việc, 100% vụ việc đạt kết quả tốt. Qua các năm, số vụ việc được trợ giúp pháp lý tại tỉnh cũng tăng nhanh, từ 54 vụ việc năm 2011 lên 436 vụ việc năm 2017. Tỉnh Gia Lai cũng thiết lập đường dây nóng trợ giúp pháp lý, tổ chức nhiều hoạt động truyền thông về cơ sở với hơn 9.800 người tham gia.

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Gia Lai cũng nêu ra một số khó khăn từ đó kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có văn bản hướng dẫn và thống nhất các văn bản luật; quy định linh hoạt hơn cơ chế tài chính cho hoạt động truyền thông trợ giúp pháp lý, đồng thời cần có chính sách thu hút nhân lực tham gia trợ giúp pháp lý tại địa phương.

Đánh giá tại buổi khảo sát, Đoàn công tác Hội đồng dân tộc của Quốc hội ghi nhận nỗ lực của tỉnh Gia Lai trong việc triển khai trợ giúp pháp lý cho người dân tộc. Bên cạnh đó, đoàn cũng đề nghị tỉnh cần phát huy hơn nữa công tác truyền thông, xây dựng đường dây nóng; phát huy những sáng kiến phù hợp với đặc thù vùng, tăng cường cộng tác viên người dân tộc thiểu số. Cùng với đó có biện pháp vận động các kênh tổ chức luật để phối hợp hỗ trợ, cập nhật các loại tội phạm mới tại địa phương để công tác trợ giúp pháp lý cho người dân tộc đạt hiệu quả cao nhất./.

Đoàn Bình


Lượt xem: 40

Trả lời