Định canh định cư trên vùng biên giới Chư Prông, Gia Lai

Cập nhật 09/10/2019, 14:10:04

Chư Prông – một trong 3 huyện biên giới của tỉnh Gia Lai và được ví như một tiền đồn án ngữ vùng biên giới của tỉnh. Góp phần cùng cả nước trong thực hiện công cuộc di dân lòng hồ sông Đà để xây dựng Thủy điện Hòa Bình, huyện Chư Prông đã là nơi dừng chân và định cư của hàng trăm hộ dân tỉnh Hòa Bình cũng như các hộ dân đi kinh tế mới từ các tỉnh Thái Nguyên, Hưng Yên, Ninh Bình… đến lập nghiệp. Với những quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước; hơn 20 năm định cư trên vùng đất mới, vùng biên giới Chư Prông, Gia Lai hôm nay đã là quê hương của những hộ dân đi kinh tế mới ngày ấy với một cuộc sống ngày càng hạnh phúc, đủ đầy. Phóng sự được thực hiện tại xã Ia Piơr – một trong những xã xa nhất của huyện biên giới Chư Prông.

Dân cư đông đúc, giao thương sầm uất, cuộc sống người dân ở xã biên giới Ia Piơr, huyện biên giới Chư Prông chỉ cần so với cách đây khoảng chục năm cũng đã nhiều đổi thay đến không ngờ. Hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng cho chính người dân hưởng lợi đã tạo động lực để các hộ định canh định cư,  xây dựng cuộc sống ấm no trên vùng biên giới.

Ông Đào Trung Kiên – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, Gia Lai cho biết “Cấp ủy chính quyền hết sức quan tâm vấn đề dân định canh định cư trên địa bàn và cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ. Cụ thể nhất là đã có nhiều quy hoạch; ví dụ như về nhà ở, rồi các khu sản xuất lúa Đông xuân, lúa vụ mùa và một số cây công nghiệp khác”.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp với quyết tâm thoát nghèo, từ 5 sào đất/hộ dân được Nhà nước hỗ trợ ban đầu theo chương trình hỗ trợ định canh định cư đối với dân đi kinh tế mới, nhiều hộ đã dần mở rộng diện tích canh tác lên vài ha với một số loại cây trồng chủ yếu như bắp, đậu, điều. Đặc biệt với cây lúa, từ nguồn nước được hưởng lợi của công trình hồ chứa nước Plei Pai, cây lúa trên vùng đất Ia Piơr từ chỗ chỉ để phục vụ cuộc sống người dân thì nay đã thành sản phẩm hàng hóa với mỗi năm 2 vụ, giúp người dân tăng thu nhập. Những cánh đồng trù phú, những mùa vàng bội thu càng thêm gắn bó người dân với mảnh đất này.

Ông Trần Đình Cửu – Làng Piơr 1, xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, Gia Lai chia sẻ: “Dần dần từng bước 1 bà con ổn định kinh tế, đặc biệt nhất là đất này rất phù hợp với cây lúa nước. Đi vào đây theo tiếng gọi của Đảng, tôi thấy thứ nhất là làm ăn dễ và thứ 2 là thấy ổn định và nhiều người ở đây người ta bảo là về Bắc làm ăn khó khăn, người ta không muốn về và ở lại đây làm ăn”.

“Đất lành chim đậu”, từ những hộ dân đi kinh tế mới ở những năm 1993, đến nay 14 thôn/làng của xã Ia Piơr đều mang đậm dấu ấn của công cuộc di dân lập nghiệp và cả những sắc màu văn hóa của đồng bào các dân tộc phía Bắc. Những nếp nhà sàn của người Tày, Mường, Thái, Dao… và cả dân tộc bản địa Jrai, BaNa đã và đang khoác lên một diện mạo mới cho vùng biên giới Chư Prông. Cuộc sống ổn định và ngày càng phát triển, niềm tin của đồng bào các dân tộc nơi đây vào những chương trình, dự án của Đảng, Nhà nước càng được nhân lên; để rồi từ đó, trong công cuộc xây dựng quê hương hôm nay, mỗi người dân đều hăng hái và tự nguyện đóng góp những gì có thể.

Ông Đinh Trọng Linh – Thôn 5, xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, Gia Lai cũng cho biết: “Sống ở đất này thì bà con đã tự nguyện đóng góp xây dựng 1 nhà hội trường thôn. Từ nguồn vốn của Nhà nước cho 100 triệu, còn lại bao nhiêu thì địa phương chúng tôi tự đóng góp mua đất và xây dựng. Còn các công trình phúc lợi của địa phương thì công trình nào của Nhà nước 50-50 thì chúng tôi cũng đều đóng góp đầy đủ, tham gia đầy đủ. Định hướng trong thời gian tới thì theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chúng tôi cũng đã đăng ký với xã, với huyện đến đầu năm 2020 sẽ phấn đấu xây dựng đường nông thôn bê tông hóa của địa phương”.

Ngoài hỗ trợ định canh định cư cho những hộ dân đi kinh tế mới, nhằm sắp xếp ổn định đời sống dân di cư tự do trên địa bàn; UBND huyện Chư Prông cũng đã xây dựng và thực hiện 2 dự án về bố trí dân di cư tự do. Trong đó, dự án 1 thực hiện từ năm 2009-2011 với tổng kinh phí hơn 18,5 tỷ đồng; sắp xếp ổn định xen ghép tại chỗ cho 1.028 hộ tại các xã Ia Piơr, Ia Lâu, Ia Vê và Ia Ga. Dự án 2 thực hiện trong các năm 2015, 2016 và 2019 với kinh phí phân bổ hơn 29,1 tỷ đồng; bố trí ổn định xen ghép tại chỗ cho 769 hộ dân di cư tự do tại 06 xã là Ia Piơr, Ia Lâu, Ia Ga, Ia Vê, Ia Puch và Ia Mơr. Tính đến cuối năm 2019, đã có 4.056 hộ dân di cư tự do trên địa bàn huyện với 10.484 khẩu ổn định chỗ ở; trong đó 1.797 hộ đã được bố trí, sắp xếp vào khu quy hoạch và 2.259 hộ tự ổn định.

Bùi Viết Hội – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chư Prông, Gia Lai trao đổi: “Quá trình quy hoạch này chúng tôi đã gắn hài hòa giữa quy hoạch bố trí ổn định dân cư tại chỗ và bà con nhân dân kinh tế mới ở nhiều vùng của đất nước. Trên cơ sở triển khai quy hoạch này khá là khoa học và thời điểm lịch sử đó năm 1997 thì chủ yếu là huy động sức dân, bà con giúp nhau chuyển nhà, làm vườn, đào giếng và sau này nhà nước rồi ngân sách huyện bố trí để xây dựng bổ sung các kết cấu hạ tầng cơ sở như trường học, điện, rồi cả nhu cầu về nước sạch thì ổn định. Và đặc biệt đến bây giờ, mối đoàn kết gắn bó giữa các thành phần dân cư giữa người tại chỗ với người từ nơi khác đến hầu như không còn gì mâu thuẫn”.

Định canh định cư trên vùng đất mới, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, chính nỗ lực của những người dân đã và đang vẽ nên bức tranh phát triển không ngừng của vùng đất biên giới Chư Prông trong lộ trình xây dựng Nông thôn mới hôm nay. Và trong tâm thức của những người dân đi kinh tế mới năm nào, quê hương thứ 2 giờ đã là quê hương ruột thịt./.

Mỹ Tiến – Huy Toàn


Lượt xem: 146

Trả lời