Đình An Mỹ biểu tượng văn hóa tâm linh

Cập nhật 19/3/2022, 10:03:08

Đình làng An Mỹ tại xã An Phú, TP.Pleiku đã trải qua hơn trăm tuổi nhưng người dân nơi đây luôn gìn giữ nghi lễ cúng đình truyền thống. Đây không chỉ là biểu tượng văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng trong đời sống của người dân mà còn là nơi hiện thân của tình đoàn kết cộng đồng.

Đình An Mỹ tọa lạc trên diện tích hơn 5.000m2 tại thôn 2, xã An Phú, thành phố Pleiku, con đường xi măng dẫn vô đình làng được trồng hoa hai bên cùng với những vườn rau xanh ngút ngàn tạo cảm giác yên bình cho bất cứ ai đặt chân đến nơi đây. Theo ông Đoàn Tiến Quyết- Trưởng Ban phụng tế đình An Mỹ cho biết: Đình làng An Mỹ được triều đình Huế sắc phong, tuy nhiên do hoàn cảnh chiến tranh từ năm 1945 đến năm 1954 dân cư 2 làng Quảng Định và An Mỹ đều bỏ làng đi nơi khác để tránh giặc nên công trình đã bị hoang phế, đổ nát. Di tích cũ còn lại bức bình phong, hai trụ cổng và cây bàng cổ thụ. Năm 1972, đình làng An Mỹ được tái thiết và trùng tu, năm 2004 một số bô lão cùng nhà tài trợ đã xây dựng lại chánh điện và một số công trình phụ. Đến năm 2014, Ban hộ đình và người dân nơi đây đã đóng góp tiền và ngày công xây dựng mới tường rào, sân đình, con đường vào đình, phục chế  lại bình phong, trụ cổng. Đình An Mỹ có 2 lễ cúng lớn vào ngày 10-2 và 20-8 âm lịch, người dân sẽ tự nguyện đóng góp vật chất để mua lễ vật tổ chức lễ cúng. Sau khi cúng đình, người dân tập trung lại ăn uống và tổ chức hát bộ.

Ông Đoàn Tiến Quyết – Trưởng ban phụng tế đình An Mỹ, xã An Phú, TP. Pleiku nói: “Lập đình này để thờ những người đời trước để lập nghiệp và để lại ruộng đất cho con cháu làm ăn, ý nguyện của tôi là một năm 2 kì, mùa xuân là mồng 10 tháng 2, mùa thu thì 20 tháng 8 tập trung hết bà con lại thứ nhất là gặp nhau trao đổi công việc làm ăn, hỏi thăm sức khỏe, thứ 3 là cầu nguyện cho tâm linh, phù hộ cho tất cả bà con, hàng xóm, được mùa cây trái, mưa thuận gió hòa, con cháu học hành được tiến tới.”

 Lễ cúng đình An Mỹ là tục lệ thường niên và trở thành nét đẹp văn hóa của người dân An Phú nói chung và vùng đất An Mỹ nói riêng. Năm nay, lễ cúng đình diễn ra trong điều kiện dịch bệnh Covid-19. Do vậy, để đảm bảo công tác phòng chống dịch, địa phương không tổ chức phần hội để tránh tập trung đông người, chỉ tổ chức phần lễ cúng. Ngay từ sáng sớm, các bậc cao niên cùng ban hộ đình  đã tập trung chuẩn bị cho buổi lễ, sau khi chuẩn bị lễ vật cho buổi cúng tế, các bô lão trong trang phục áo dài, khăn đóng đã tổ chức đúng nghi thức truyền thống như lễ tế, dâng lễ ,dâng hương đến những bậc tiền hiền.

Ông Nguyễn Hữu Tài – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã An Phú, TP. Pleiku cho biết: “Gắn kết với nghị quyết của Thành ủy về việc xây dựng thành phố du lịch, giai đoạn đến 2030, thì địa phương cũng đã có chương trình hành động để thực hiện cùng với thành phố. Và từ chương trình hành động của địa phương, hiện nay xã cũng cố gắng vận động bà con chúng ta giữ vững và phát huy truyền thống tế đình một năm 2 lần, thông qua đó để cho các thế hệ con cháu sau này chúng ta tưởng nhớ về bậc tiền bối đã lập làng xây dựng đời sống nông nghiệp trên mảnh đất an phú. Hiện nay các cụ cao niên trong thôn thì cũng đã vận động 1 số anh trong thôn hỗ trợ quý cụ, vừa là học tập, và thay thế các cụ cao tuổi sau này đó là việc mà các cụ trong ban quản đình cũng như là một số người lớn tuổi đã có người thừa kế .”

Đình làng An Mỹ có thể nói là nơi lưu giữ văn hóa truyền thống của người dân nơi đây, là nơi sinh hoạt tinh thần cộng đồng gắn với phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian để con cháu luôn nhớ về nguồn gốc của ông bà mình tại mảnh đất An Mỹ này. Thời gian tới, địa phương sẽ vận động bà con tiếp tục giữ gìn, tu bổ, sửa sang lại và đề xuất các cấp thẩm quyền công nhận Đình An Mỹ là di tích của địa phương. Đồng thời, gắn kết với nông nghiệp của địa phương, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao kết hợp làm du lịch gắn liền với đình làng để tạo ra điểm đến du lịch ngay trong khu sản xuất của bà con nông dân trên địa bàn.

CTV Tường Vân – Bá Bính (TP Pleiku)


Lượt xem: 79

Trả lời