Diễn đàn tháo gỡ khó khăn và kết nối cung – cầu cho hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Cập nhật 08/11/2019, 18:11:59

Trên địa bàn tỉnh hiện có 245 hợp tác xã, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng nguồn vốn khoảng 190 tỷ đồng. Tình hình hoạt động của các  hợp tác xã hiện nay  được đánh giá là còn yếu và thiếu cả về sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh và nguồn vốn. Đồng thời, phương thức hoạt động kinh doanh chưa phù hợp, chưa theo kịp với sự phát triển của thị trường.Nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kết nối cung cầu cho các hợp tác xã phát triển, sáng ngày 8/11, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức diễn đàn đối thoại với các hợp tác xã trên địa bàn. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành chủ trì diễn đàn. Tham dự diễn đàn có lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương và hơn 200 hợp tác xã đại diện cho các ngành nghề trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại diễn đàn đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Đức Hoàng cho biết, tỉnh mong muốn được nghe tất cả các ý kiến của hợp tác xã về những khó khăn, vướng mắc về tiếp cận thông tin, sản xuất kinh doanh, vấn đề đất đai, cơ sở vật chất đến cơ chế chính sách hỗ trợ của trung ương, tỉnh và địa phương đến sự phát triển của hợp tác xã…Đây là cơ sở để tìm tiếng nói chung giữa hợp tác xã với các sở, ngành, địa phương và đặc biệt là với các doanh nghiệp tham gia tại diễn đàn sẵn sàng tham gia giải quyết bài toán cung – cầu cho hợp tác xã.

Tại diễn đàn, đại diện các  hợp tác xã đã nêu ra nhiều kiến nghị để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động như: tạo điều kiện bố trí quỹ đất để xây dựng trụ sở, nhà kho, sân phơi; tiếp cận nguồn vốn; bổ sung nhân sự trẻ, có trình độ; tìm  đầu ra cho sản phẩm; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho hợp tác xã.

Bà Trần Thị Hoàng Anh – Giám đốc Hợp tác xã Mật ong Phương Di, huyện Ia Grai, Gia Lai nêu: “Hiện nay chúng tôi gặp khó khăn là về đất đai để làm văn phòng và vốn. Chúng tôi làm lĩnh vực mật ong sạch nhưng vấn đề đầu ra cũng còn nhiều khó khăn”.

Ông Nguyễn Tấn Công – Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang, Đăk Đoa, Gia Lai cũng nói: “Nhà nước cũng đã có những cơ chế hỗ trợ rồi nhưng mong muốn sẽ tiếp tục hỗ trợ hơn nữa với những hình thức thiết thực hơn. Ví dụ như về vốn cần tháo gỡ cho HTX vay vốn để phát triển. Hoặc trong liên kết, tiêu thụ sản phẩm có những chương trình như Ocop như thời gian qua thấy rất là hiệu quả…Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao năng lực quản trị của HTX”.

Trên cơ sở các ý kiến kiến nghị của các hợp tác xã tại diễn đàn, đại diện một số sở, ngành liên quan đã có những giải đáp, hướng dẫn cụ thể để các hợp tác xã nắm rõ.

Tham dự Diễn đàn tháo gỡ khó khăn và kết nối cung – cầu cho hợp tác xã của tỉnh Gia Lai, Tiến sĩ Trần Minh Hải-Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Kinh tế hợp tác Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp – Phát triển nông thôn II (Bộ Nông nghiệp và PTNT)đánh giá cao sự năng động của tỉnh, đồng thời đưa ra một số ý kiến tham mưu cho tỉnh về thực hiện một số giải pháp quan trọng để hợp tác xã phát triển.

Tiến sỹ Trần Minh Hải – Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Kinh tế hợp tác Trường Cán bộ Quản lý  Nông nghiệp – Phát triển nông thôn II cho biết: “Tỉnh nên có đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho các HTX và nên có những khóa đào tạo bài bản, không nên tập huấn, đào tạo dàn trải. Giao cho một đơn vị đầu mối, có đào tạo, có theo dõi. Ngoài ra, tôi đề xuất GL, trước khi thành lập HTX…chúng ta nên đào tạo trước để họ nắm và hiểu họ làm được hay không? Đối với phần xúc tiến thương mại, chúng ta nên lam sao cho HTX nên tự xúc tiến. Đối với xúc tiến có yếu tố nước ngoài chúng ta nên tạo điều kiện, vẫn đảm bảo vấn đề an ninh nhưng cũng mềm dẻo hơn”.

Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành ghi nhận các ý kiến kiến nghị của đại diện một số hợp tác xã, chuyên gia về lĩnh vực này. Để hỗ trợ hợp tác xã phát triển, ngoài vai trò bà đỡ của nhà nước, Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành yêu cầu cần phải nêu cao vai trò, trách nhiệm của Liên minh hợp tác xã tỉnh trong việc kết nối với các sở, ngành, địa phương, hợp tác xã để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. Đối với hai vấn đề khó khăn nhất hiện nay của hợp tác xã là bố trí đất đai và nguồn nhân lực, tỉnh sẽ có những tháo gỡ:

Đồng chí Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo: “Về đất đai, giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và  Môi trường tính toán lại để các HTX được thuê đất nhưng phải có cơ chế riêng, tránh để xảy ra lợi ích nhóm. Về đào tạo nguồn nhân lực sẽ có cơ chế cho các HTX tuyển dụng và tỉnh sẽ hỗ trợ . Khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các hợp tác xã để hỗ trợ, hướng dẫn HTX”.

Ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đề nghị các hợp tác xã cũng phải năng động hơn trong việc phối hợp, kết nối cũng như xúc tiến thương mại với các tổ chức, doanh nghiệp đểgiải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ…. thay vì phụ thuộc quá nhiều vào sự hỗ trợ, can thiệp của nhà nước.

Tại Diễn đàn đàn tháo gỡ khó khăn và kết nối cung – cầu cho hợp tác xã, đã có một số doanh nghiệp và hợp tác xã thực hiện ký biên bản ghi nhân hợp tác, giao thương về tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin và hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết. Đây chính là những tín hiệu tích cực đầu tiên từ Diễn đàn tháo gỡ khó khăn và kết nối cung – cầu cho hợp tác xã mà tỉnh rất kỳ vọng sẽ mang đến những cơ hội thúc đẩy hợp tác xã ngày càng phát triển, hoạt động hiệu quả hơn.

Hồng Uyên, Minh Trí


Lượt xem: 28

Trả lời