Điểm trường chung của học sinh 3 làng DTTS

Cập nhật 07/5/2021, 07:05:34

Do đặc điểm về địa lý nên ngoài các điểm trường chính thì nhiều trường học, bậc học của tỉnh Gia Lai còn có thêm rất nhiều điểm trường lẻ. Các điểm trường lẻ thường nằm ở thôn, làng để tạo điều kiện cho các em đến trường, nhất là đối với các em học sinh DTTS. Và khi nhắc đến điểm trường lẻ mọi người sẽ nghĩ ngay đến sự thiếu thốn về mọi mặt như cơ sở vật chất, về con người,…Tuy nhiên, ở một điểm trường chung của học sinh 3 làng DTTS thuộc xã Tú An, thị xã An Khê lại khác. Điểm trường này được đầu tư khá khang trang, tạo mọi điều kiện cho các em đến trường, đến lớp.

Tiết dạy học của thầy giáo Đinh Văn Khoa – điểm trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã Tú An, lớp học tuy không nhiều học sinh nhưng được cái đây không phải là lớp ghép. Một chiếc bảng được ngăn làm đôi bởi một bên thầy dạy tiếng phổ thông và một bên là thầy giảng lại bằng tiếng và chữ viết Bahna cho học sinh hiểu. Nghĩa là nhiều phương pháp được thầy lồng ghép để làm sao học sinh tiếp thu bài một cách tốt nhất.

Thầy giáo Đinh Văn Khoa, Trường Tiểu học Lê Văn Tám, TX An Khê cho biết: “Tôi thấy nó cũng thuận lợi rất là nhiều các bạn biết tiếng Bahna nhưng mà không biết tiếng phổ thông thì mình sẽ dịch ra cho các bạn tiếng phổ thông, khi mà mình viết phổ các bạn không biết thì mình sẽ dịch ra tiếng Bahna. Mình có lợi thế là mình hiểu được hai thứ tiếng. Nhà trường cũng phát động rất nhiều phương pháp để duy trì học sinh đến trường, đến lớp. Thứ nhất phải yêu học trò, phải xem học trò giống như con em của mình; phải biết khen các em đến nơi, đến chốn và khi học mình tạo không khí vui tươi, tạo nhiều hoạt động tạo cho các em hứng thú đến trường, đến lớp”.

Điểm trường Tiểu học Lê Văn Tám có gần 100 học sinh với 100% học sinh DTTS của 3 làng gồm: làng Hòa Bình, làng Pnang và làng Nhoi. Trước đây mỗi làng là một điểm trường nên hầu hết học sinh phải học lớp ghép, vì vậy chất lượng sẽ không cao, chưa kể việc huy động sĩ số học sinh đến lớp cũng gặp rất nhiều trở ngại. Nhưng nay chuyện học của các em đã thuận lợi hơn rất nhiều, đặc biệt là phụ huynh đã coi trọng việc học của con em mình.

Chị Đinh Thị Phai, Phụ huynh học sinh nói: “Môi trường học ở đây cũng rất tốt, thầy cô quan tâm rất là nhiều cho nên tôi rất là hài lòng khi cho con qua học trường này”.

Điểm trường Tiểu học Lê Văn Tám được đầu tư từ năm học 2017 – 2018 với kinh phí khoảng 2,6 tỷ đồng. Đây là sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với công tác phát triển giáo dục của 3 làng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn của xã Tú An.

Ông Bùi Anh Tuấn, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã An Khê cho biết: “Những năm qua TX An Khê rất quan tâm đến giáo dục, đặc biệt là giáo dục vùng DTTS. Thị xã đã đầu tư cho 3 làng ở xã Tú An 1 điểm trường chung giảng dạy cho các em từ lớp 1 đến lớp 7. Hiện tại duy trì hàng năm có trên dưới 100 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 và trên dưới 30 học sinh lớp 6, 7 để các em thuận  tiện trong việc di chuyển cách trường trung tâm của xã khoảng 7km.

Ngoài tạo điều kiện cho học sinh được học song song hai thứ tiếng đó là tiếng mẹ đẻ và tiếng phổ thông để bổ trợ cho nhau thì nhà trường còn tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh từ 350 tiết lên 500 tiết/năm. Mục đích là giúp các em thạo tiếng Việt, từ đó hạn chế số tiết dạy tiếng Bahna từ 3 tiết/tuần xuống còn 1/ tiết/tuần. Để khi các em ra khỏi môi trường học tập đó là điểm trường làng, các em có thể hòa đồng và theo kịp với các em học sinh người kinh ở một môi trường thuận lợi hơn và tiếp tục theo học ở bậc học cao hơn./.

Lệ Xuân, Phi Long


Lượt xem: 18

Trả lời