Để quyền của người tiêu dùng được đảm bảo

Cập nhật 02/3/2017, 15:03:45

Việc đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kêu gọi các doanh nghiệp và cơ quan quản lý quan tâm, có trách nhiệm trong thực thi pháp luật đã đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân.

 Tuy nhiên, trong thực tế quyền lợi của người tiêu dùng vẫn còn bị xâm phạm nhưng chưa được bảo vệ kịp thời, hiệu quả. Phóng sự sau đây sẽ phản ánh về vấn đề này.

Từ năm 2016 Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 15-3 hàng năm là “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam” nhằm khẳng định tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Năm nay, Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam có chủ đề “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”. Với mục đích giúp doanh nghiệp thực thi đúng các qui định của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hưởng ứng hoạt động này, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có kế hoạch triển khai những hoạt động khuyến mãi và hỗ trợ khách hàng.

Ông Lê Văn Tuấn, Cơ sở chế biến cà phê Uyên-TP Pleiku- Gia Lai cho biết: “Về phía đơn vị thì trong thời gian qua, chúng tôi cũng đã hết sức quan tâm và đặt lợi ích của khách hàng làm đầu. Trong tháng vì người tiêu dùng chúng tôi sẽ có chương trình khuyến mãi, chăm sóc khách hàng đặc biệt”.

Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, việc lấy lợi ích của khách hàng làm đầu là phương châm hoạt động mà bất cứ một doanh nghiệp hay đơn vị sản xuất kinh doanh nào cũng cần phải chú trọng nếu muốn tồn tại lâu dài, bởi sự tín nhiệm  của người tiêu dùng có thể quyết định sự thành bại của một doanh nghiệp. Do vậy mà các DN luôn đặt mục tiêu hàng đầu đó là chất lượng, uy tín của sản phẩm…

Bà Phạm Thị Mỵ, GĐ Công ty TNHH Thịnh Phát cũng cho biết: “Người tiêu dùng hiện nay rất thông minh và hiểu biết, họ lựa chọn hàng hóa rất kỹ. bản thân tôi là một nhà sản xuất tôi luôn đặt mình là người tiêu dùng vì cái gì mình không muốn, không tin tưởng thì sẽ không sử dụng. Người tiêu dùng cũng vậy”.

Về phía người tiêu dùng,  trong bối cảnh hội nhập, thị trường đa dạng hàng hóa, họ cũng tự  nâng cao kiến thức về tiêu dùng, vì có kiến thức thì mới có thể an tâm trong  việc lựa chọn  những sản phẩm có chất lượng, đảm bảo an toàn.

Anh Trần Xuân Ngọc, một  người tiêu dùng cho biết: “Khi tôi mua sản phẩm tôi nào đó tôi luôn chú ý tới thương hiệu uy tín. Khi sản phẩm có vấn đề nơi đầu tiên là phản ánh nơi mình mua để  họ có trách nhiệm đổi trả, nếu không thỏa đáng thì mình khiếu kiện lên cấp trên vì ngày nay đã có luật bảo vệ người tiêu dùng rồi mà. Tôi nghĩ mọi người tiêu dùng cần nâng cao sự hiểu biết, hãy là người tiêu dùng thông minh”.

Tuy nhiên trên thực tế nhiều người tiêu dùng  chưa thật sự được bảo vệ bởi các giải pháp bảo vệ vẫn chưa thực sự phát huy. Việc phát hiện quyền lợi của người tiêu dùng có thể bị xâm hại chủ yếu  thông qua các hoạt động nghiệp vụ của các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường. Bên cạnh đó, phần lớn người tiêu dùng còn ngại va chạm với luật và sẵn sàng chấp nhận phần thiệt thòi về mình.  Hơn nữa tỉnh cũng chưa hình thành Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, do vậy khi gặp vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi, người tiêu dùng trong tỉnh còn lúng túng chưa biết kêu ai.

Chị Phan Thị Thúy, Phường Hội Thương-TP Pleiku-Gia Lai mong muốn: “Tôi mong là tỉnh sớm thành lập một hội bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, có đường dây nóng để khi người tiêu dùng mua trúng sản phẩm kém chất lượng phản ánh kịp thời xử lý thì người tiêu dùng mới an tâm”.

Để quyền của người tiêu dùng được đảm bảo thì công tác bảo vệ quyền của người tiêu dùng cần có bước đột phá và cụ thể hóa trách nhiệm công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các cơ quan chức năng, đề cao và giám sát chặt chẽ trách nhiệm cá nhân chủ doanh nghiệp, người đứng đầu, phụ trách sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, sản phẩm phục vụ người tiêu dùng. Đồng thời người tiêu dùng cũng cần thể hiện sự nhạy bén, thông thái trong sự dụng các sản phẩm để nâng cao chất lượng cuộc sống./.

Mỹ Linh, Viễn Khánh

 


Lượt xem: 39

Trả lời