Để du lịch Gia Lai phát triển bền vững và tương xứng với tiềm năng vốn có

Cập nhật 06/7/2020, 17:07:29

Cùng với các lĩnh vực kinh tế-văn hóa-xã hội, ngành du lịch Gia Lai cũng ngày càng có bước phát triển đáng ghi nhận, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế và nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên để ngành công nghiệp không khói này có bước tăng trưởng nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng vốn có và trở thành ngành kinh tế quan trọng của Gia Lai trong thời gian tới thì vẫn còn nhiều điều phải làm. Không chỉ về cơ chế, chính sách mà cả việc huy động các nguồn lực của người dân, doanh nghiệp để ngành du lịch của tỉnh tiếp tục có những bức phá trong thời gian tới.

Thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã chú trọng việc xây dựng các kế hoạch, chương trình, đề án phát triển với mục tiêu đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành du lịch đạt 22,7%/năm, doanh thu tăng bình quân 20,9%/năm. Trong đó năm 2019, Gia Lai đã đón 845.000 lượt khách với doanh thu đạt 510 tỉ đồng.So với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XV cũng như Chương trình số 43 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra thì lượng khách tăng hơn 110% và doanh thu tăng gần 28%. Để từng bước phát triển du lịch với những dấu ấn riêng, công tác xúc tiến, liên kết, hợp tác phát triển du lịch cũng như quảng bá hình ảnh Gia Lai đến du khách trong và ngoài nước được chú trọng. Nhiều sự kiện văn hóa, du lịch được tổ chức tạo sức lan tỏa và thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.

Bà Phan Tú Phương – Du khách Hà Nội chia sẻ: “Biển Hồ, nơi đây là danh lam thắng cảnh rất hùng vỹ và đẹp, khí hậu rất trong sạch, con người Pleiku rất mến khách. Danh lam thắng cảnh thiên nhiên này chưa bị con người phá vỡ. Tôi hy vọng Gia Lai chúng ta quan tâm, phát triển để trở thành khu du lịch nổi tiếng trên thế giới”.

Tuy có bước tăng trưởng song ngành du lịch Gia Lai gặp không ít khó khăn và hạn chế so với các tỉnh bạn. Với đặc thù của tỉnh miền núi Cao nguyên có xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng du lịch mặc dù đã được đầu tư song chưa đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông phát triển chưa theo kịp yêu cầu, phương tiện giao thông kết nối đến các điểm du lịch ở các vùng sâu, vùng xa còn thiếu, ảnh hưởng đến việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch để thu hút khách. Chính vì vậy, đóng góp từ du lịch chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong GRDP địa phương và ngành dịch vụ của tỉnh. Theo các chuyên gia và người dân, doanh nghiệp, khi các tiềm năng về du lịch sinh thái, du lịch văn hóa-lịch sử, du lịch cộng đồng, du lịch xanh… được khai thác, phát triển hợp lý kèm theo những sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao theo hướng chuyên nghiệp thì đây chính là điểm cộng để ngành du lịch Gia Lai tạo ấn tượng đối với du khách trong nước và quốc tế.

Ông Chu Văn Chỉ – TP.Pleiku nhận xét: “Ngành du lịch Gia Lai đi sau các địa phương nhưng cũng là thế mạnh để Gia Lai phát huy cái mà các địa phương chưa khai thác. Ở Gia Lai có nhiều bản sắc về văn hóa của người đồng bào Jrai, Bana, kèm theo đó là văn hóa bản địa, không gian văn hóa cồng chiêng. Tất cả những cái đó mang lại cho du khách tới Gia Lai 1 trải nghiệm không ở nơi khác có được”.

Ông Đoàn Hải Đăng – Giám đốc doanh nghiệp Viettravel, TP. Đà Nẵng cũng nói: “Gia Lai hay Pleiku giữ được những nét văn hóa gốc không bị phá vỡ bởi con người, kể cả từ sản phẩm cồng chiêng, sản phẩm văn hóa nghệ thuật cho đến rừng núi, thác… Tôi cho rằng, đấy là sản phẩm cực tốt, tài sản quý giá thì Gia Lai cần phải bảo vệ cái đó, giữ vững sản phẩm đó hoặc xây dựng, hoặc làm giàu nó thêm”.

Ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Khách sạn Vĩnh Hội, TP.Pleiku cho biết: Hiện tại ở Gia Lai các khách sạn, nhà hàng cũng rất phát triển, cơ sở vật chất rất tốt nhưng hiện tại vấn đề đào tạo nhân sự để phát triển trong ngành du lịch còn hạn chế. Tôi cũng mong rằng, các cấp lãnh đạo có kế hoạch phối hợp với các doanh nghiệp chúng tôi làm sao đào tạo để có nguồn nhân lực sắp tới chuyên môn hơn và năng lực tốt hơn để đón khách thân thiện hơn để du khách ấn tượng với Gia Lai.

Ông Nguyễn Hữu Thọ – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam chỉ đạo: “Chúng ta phải hình thành ngay 1 du lịch xanh cùng với du lịch sinh thái của Gia Lai, nó là sản phẩm đặc biệt mà các nơi không có. Chúng ta phải tạo nguồn nhân lực mới, trẻ cho Gia Lai và Pleiku trong 1 giai đoạn mới có thái độ tốt, có kỹ năng tốt, có kiến thức và ngoại ngữ tốt thì mới có thể lôi kéo được khách du lịch trong và ngoài nước”.

Với mục tiêu không ngừng đổi mới, đa dạng hóa các sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tỉnh Gia Lai phấn đấu tiếp tục  triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó thực hiện tốt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Gia Lai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, đa dạng hóa các hình thức đầu tư vào các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng phát triển dịch vụ và đạt được những con số tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn 2020-2025. Theo đó phấn đấu đến năm 2025 đạt 2,1 triệu lượt khách và tổng doanh thu du lịch đạt 1.400 tỷ đồng./.

Thiên Thanh, Xuân Huy


Lượt xem: 208

Trả lời