Để du lịch Gia Lai ngày càng phát triển

Cập nhật 13/12/2018, 14:12:58

Bên cạnh các danh lam, thắng cảnh quý báu được thiên nhiên ban tặng, để du lịch Gia Lai ngày càng vươn xa, tạo dấu ấn riêng đối với du khách trong và ngoài nước còn rất nhiều điều phải bàn và phải làm trong trước mắt cũng như lâu dài.
Làm thế nào để xây dựng nét đặc trưng riêng của du lịch Gia Lai, làm sao để thu hút và giữ chân du khách cũng như liên kết trong phát triển  du lịch… là những vấn đề được chia sẻ tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình hợp tác phát triển du lịch 4 tỉnh: Bình Định – Phú Yên – Gia Lai – Đăk Lăk vừa được tổ chức tại TP.Pleiku vừa qua.

Gia Lai hiện là tỉnh còn lưu giữ nhiều bộ cồng chiêng nhất Tây Nguyên cùng Không gian Văn hóa Cồng chiêng đặc sắc… chính là những thế mạnh văn hóa đặc trưng mà Gia Lai có được. Bên cạnh đó, Gia Lai còn là tỉnh có diện tích tự nhiên đứng thứ 2 cả nước với những khu rừng nguyên sinh, vườn cà phê, cao su, vườn chè bạt ngàn… Đây chính là những nét độc đáo mà không tỉnh nào may mắn có được và cũng chính là điều mà du khách muốn khám phá, tận hưởng.

Chị Lê Thị Kim Chi – Giám đốc khối du lịch trong nước, Công ty Cổ phần Việt Nam Travelmart cho biết: “Tại Gia Lai có bản sắc văn  hóa không lẫn vào đâu được. Hay như tiềm năng về văn hóa xanh như những đồi chè  xanh ngát, cà phê bạt ngàn hay những đồi hoa dã quỳ… Khi du khách đến đây chúng ta cũng làm sao cho du khách tận hưởng những đồi chè, đồi cà phê bạt ngàn như vậy thì họ sẽ không bao giờ quên. Hay như văn hóa cồng chiêng, không nên thương mại hóa mà làm sao du khách có  thể vào trong buôn làng để tận hưởng không gian văn hóa đó và sản phẩm tinh thần đó sẽ đặc sắc hơn”.

Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa 4 tỉnh: Bình Định – Phú Yên – Gia Lai-  Đăk Lăk, đại diện các công ty kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ  hành đã thẳng thắn trao đổi, chia sẻ nhiều ý kiến nhằm đánh thức tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy họat động liên kết, phát triển du lịch của 4 tỉnh nói chung và Gia Lai nói riêng. Ngoài việc xây dựng tour du lịch chung của 4 tỉnh mang đặc sắc riêng của mỗi địa phương; tạo sự gắn kết giữa các đơn vị, công ty lữ hành thì việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, quảng bá du lịch thời công nghệ 4.0… cũng được trao đổi nhằm tháo gỡ những rào cản trong phát triển du lịch, tạo dấu ấn đối với du khách khi tham quan, thưởng lãm, nghỉ dưỡng và mua sắm tại mỗi địa phương.

Ông Nguyễn Thế Nghị – Giám đốc Công  ty Cổ phần xúc tiến thương mại đầu tư và du lịch ANZ cho biết: “Lượng khách đến chưa xứng tầm với tiềm năng mà tỉnh đang  có. Các sở, ban, ngành đang vào cuộc rất quyết liệt và cần thêm sự hỗ trợ của doanh nghiệp chặt chẽ hơn để có bộ sản phẩm chính thống  hơn. Cơ sở dịch vụ còn  hạn chế nên mình nên làm công tác thực tế ví dụ như ngồi lại với bên  hàng không, dịch vụ xe và tất cả các sản phẩm để mình  làm nên bộ chương trình, tạo điểm nhấn thu hút khách hàng”.

Anh Phạm Hải Quỳnh – Chủ nhiệm CLB du  lịch cộng đồng, Hiệp hội du lịch Việt Nam cũng nói: “Khi khách du lịch đến với Gia Lai thì cần thêm các sản phẩm dịch vụ, bản làng cần thêm các sản phẩm để cung cấp cho khách hàng để làm quà. Khi họ đến thì họ biết được sản phẩm riêng biệt của Gia Lai là gì và có nét đặc trưng riêng trên từng sản phẩm du lịch mà khách được trải nghiệm. Nét đặc trưng văn hóa đó sẽ tạo cho khách hàng mong muốn quay trở lại”.

Theo ước tính, năm 2018 có khoảng 670.000 lượt khách đến Gia Lai với doanh thu đạt 305 tỉ đồng, tăng 34% về lượt khách và tăng 24% về doanh thu so với năm 2017. Để tiếp tục khai thác, phát triển du lịch của địa phương, năm 2019, Gia Lai tiếp tục đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch, tập trung kêu gọi đầu tư vào các dự án có tính đột phá; đẩy mạnh hoạt động liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong nước và trong khu vực với mục tiêu thu hút 840.000 lượt khách, doanh thu đạt 380 tỉ đồng…/.

Thiên Thanh, R’Piên


Lượt xem: 32

Trả lời