Để du lịch cộng đồng ở huyện Chư Pah phát triển bền vững

Cập nhật 28/11/2019, 15:11:25

Huyện Chư Pah là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, nhất là tại các xã có đông đồng bào DTTS sinh sống như: Ia Ka, Ia Mơ Nông, Chư Đăng Ya… Cuộc sống sinh hoạt của người dân cộng với việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tại buôn làng chính là nền tảng để phát triển du lịch cộng đồng tại đây. Tuy nhiên để du lịch cộng đồng tại địa phương thu hút, giữ chân du khách, từ đó phát triển bền vững thì còn nhiều việc phải làm.

Với hơn 70% dân số là người Jrai, nhiều năm nay, người dân ở các làng trên địa bàn xã Ia Ka vẫn còn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống đặc sắc.Trong đó có nghề dệt thổ cẩm được truyền dạy qua bao thế hệ. Tranh thủ những lúc mùa màng rảnh rỗi, nhiều phụ nữ trong làng lại miệt mài bên khung dệt để làm nên những sản phẩm như: Áo, váy, túi, mền… Niềm vui bên khung dệt không chỉ góp phần giữ gìn nét văn hóa truyền thống của tổ tiên để lại mà còn giúp nhiều phụ nữ nơi đây có thêm thu nhập trong những lúc nông nhàn. Đây cũng là điểm đến mà địa phương giới thiệu đến du khách khi đến tham quan, tìm hiểu về văn hóa truyền thống của người dân bản địa.

Chị Rơ Chăm Hí – Làng M’Rông Yố 2, xã Ia Ka, huyện Chư Pah, Gia Lai chia sẻ: “Mình dệt đồ để dùng trong gia đình, ngoài ra còn để bán nữa nên mình cảm thấy vui lắm vì giữ gìn bản sắc văn hóa của người Jrai mình và có thêm thu nhập để chi tiêu, sinh hoạt trong gia đình”.

Chị Rơ Châm H’Ken –Chủ nhiệm CLB dệt thổ cẩm xã Ia Ka, huyện Chư Pah, Gia Lai cũng nói: “Khi khách đến tham quan thì chúng tôi kết nối và dẫn trực tiếp khách đến tham quan các hộ, các chị thành viên, qua đó giúp khách biết đến nghề dệt thổ cẩm, giúp các thành viên Câu lạc bộ phát triển kinh tế. Ngoài ra cũng liên kết với các món ăn đặc sản của địa phương, quảng bá các sản phẩm của chị em để khách trong và ngoài nước biết đến”.

Ngoài nghề dệt thổ cẩm thì nhiều truyền thống văn hóa, nếp sinh hoạt từ xa xưa của đồng bào xã Ia Ka cũng được gìn giữ đến tận ngày nay… Truyền thống này được địa phương khai thác để phát triển du lịch cộng đồng, qua đó giúp du khách tìm hiểu về bản sắc văn hóa  và trải nghiệm đời sống sinh hoạt nơi buôn, làng.

Bà Rơ Châm H’Ngoan – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Ka, huyện Chư Pah, Gia Lai cho biết: “Trên địa bàn xã Ia Ka cũng lưu giữ nhiều bản sắc văn hóa dân tộc như: đội cồng chiêng, tạc tượng, đan lát, một số văn hóa khác… Đây để  bản sắc văn hóa gắn liền với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn xã Ia Ka nói riêng. Chúng tôi cũng tuyên truyền bà con giữ gìn bản sắc văn hóa của người Jrai, không xóa bỏ được, truyền từ đời này sang đời khác”.

Cùng với xã Ia Ka, thời gian qua, xã Ia Mơ Nông cũng đã từng bước khai thác và phát triển du lịch cộng đồng với các điểm đến là tham quan buôn làng, giọt nước, khu vực nhà mồ tại làng Kép 1… Thế nhưng du lịch cộng đồng tại địa phương vẫn chưa tạo được dấu ấn và chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Bởi ngoài sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa hấp dẫn, níu chân du khách thì một trong những cái khó là người dân địa phương chưa được hưởng lợi nhiều nên việc phát triển du lịch cộng đồng tại đây gặp không ít khó khăn.

Ông Rơ Châm H’Yũp – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah, Gia Lai trao đổi thêm: “Khách đi du lịch tham quan nhà mồ làng Kép 1 cũng không có gì để làm quà lưu niệm vì chưa có sản phẩm để khách lưu lại kỷ niệm của du lịch làng Kép 1. Mong rằng trong thời gian tới có sự đầu tư của cấp trên, có định hướng  để du lịch của xã Ia Mơ Nông nói riêng và huyện Chư Pah nói chung được đầu tư 1 cách bài bản để mang lại lợi ích kinh tế cho bà con”.

Du lịch cộng đồng được xem là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích. Đây cũng được coi là 1 trong những con đường ngắn nhất để giúp người dân, nhất là đồng bào DTTS phát triển kinh tế bền vững, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của người dân bản địa. Chính vì vậy, để du lịch cộng đồng tại các địa phương phát triển bền vững, ngoài việc đào tạo, nâng cao kỹ năng làm du lịch cộng đồng cho người dân địa phương thì việc xây dựng những sản phẩm du lịch đi kèm để thu hút, giữ chân du khách là vấn đề hết sức quan trọng, qua đó tạo sức hút của du lịch cộng đồng đối với du khách khi đến với Gia Lai chung và huyện Chư Pah nói riêng./.

Thiên Thanh, Duy Linh


Lượt xem: 53

Trả lời