Đẩy mạnh phát triển du lịch Gia Lai

Cập nhật 14/8/2017, 15:08:37

Phấn đấu đến năm 2020, du lịch Gia Lai cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu dịch vụ, tạo tiền đề vững chắc đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh có tính chuyên nghiệp cao, hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ; sản phẩm du lịch đặc sắc, đa dạng, thể hiện bản sắc dân tộc, có thương hiệu và có sức cạnh tranh. Đó là mục tiêu phấn đấu tỉnh Gia Lai đặt ra trong triển khai thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Cụ thể: phấn đấu đến năm 2020, Gia Lai sẽ đón 400.000 lượt khách. Trong đó, khách quốc tế đạt 15.000 lượt, khách nội địa đạt 385 lượt, doanh thu du lịch đạt 400 tỷ đồng. Duy trì tốc độ tăng trưởng từ 15 – 18%/năm, giải quyết việc làm cho 2.000 lao động. Xây dựng Gia Lai trở thành điểm du lịch quan trọng của khu vực Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia….

Để đạt được điều này, ngành du lịch Gia Lai đã và đang nỗ lực trong công tác kêu gọi, thu hút du lịch bằng các hoạt động kết nối du lịch với các công ty, lữ hành đến từ các địa phương đang có nền du lịch phát triển nhằm khai thác tối đa tiềm năng du lịch của địa phương.

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó GĐ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Gia Lai cho biết: “Lâu nay, chúng tôi chỉ chú trọng  khai thác tuyến du lịch Tây Trường Sơn, thì hiện nay chúng tôi phát triển tuyến Đông Trường Sơn. Chúng tôi có chương trình sẽ kết nối với Quy Nhơn, Bình Định để tổ chức tuor lên rừng xuống biển. Hy vọng tuor này sẽ thích hợp với du khách, họ có thể đến sân bay Quy Nhơn, lên vùng Đông Trường Sơn, về lại Pleiku và kết thúc chuyền về sân bay Pleiku. Qua đánh giá của các doanh nghiệp đến từ TP HCM thì họ rất thích tuor này. Tôi hy vọng rằng đây sẽ là một sản phẩm mới, đặc trưng giúp cho du lịch Gia Lai phát triển”.

Được biết, trong kế hoạch phát triển chung, các cơ quan, đơn vị, nhất là những địa phương có tiềm năng du lịch cũng xác định rõ được nhiệm vụ cụ thể của mình. Đó là tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch của tỉnh, thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch. Từ đó, nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong xây dựng và bảo vệ hình ảnh, môi trường, góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết: “Với điều kiện kinh tế của huyện Kbang thu nhập của người dân còn thấp, nhưng với sự quyết tâm của huyện Đảng bộ đã kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp cùng toàn thể cán bộ, nhân dân trên địa bàn huyện nhà cùng nhau sửa sang lại những thác nước, hoặc đường đi vào các khu rừng thực nghiệm, vào khu căn cứ cách mạng. Nhằm làm sao để đưa các du khách đến với huyện Kbang, để du lịch phát triển, kéo theo các dịch vụ khác cũng phát triển. Từ đó sẽ giúp phát triển kinh tế của huyện nhà”.

Là tỉnh sở hữu nguồn tài nguyên phong phú, thích hợp để phát triển du lịch sinh thái và văn hóa, do vậy cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch cụ thể, đặc trưng – đây được xem là nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch Gia Lai.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi thấy rằng cần phải bổ sung những điều kiện, để phục vụ cho việc lưu trú của du khách. Trong đó, có hệ thống ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh phục vụ cho du khách. Bên cạnh chúng ta rất thuận lợi trong việc lưu thông với các đường bay, kết nối giữa TP HCM và Gia Lai với những đường bay giá rẻ, hệ thống đường bộ cũng đã được cải thiện. Tôi nghĩ rằng cơ hội để hợp tác và phát triển nó sẽ rất thuận lợi nếu chúng ta biết khai thác lợi thế theo mùa”.

     Du lịch Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung đang trên đà phát triển. Bên cạnh những tài nguyên sẵn có, Gia Lai cũng đang tập trung phát triển nguồn nhân lực du lịch để hướng tới nâng cao hình ảnh du lịch Gia Lai an toàn và thân thiện với du khách./.

Bích Thủy, Đặng Trà


Lượt xem: 273

Trả lời