Đẩy mạnh cánh đồng mẫu lớn trong ĐBDTTS

Cập nhật 01/3/2017, 08:03:45

Những năm gần đây các mô hình liên kết tạo thành cánh đồng lớn được nông dân trong tỉnh áp dụng ngày một nhiều hơn. Đối với bà con dân tộc thiểu số đây chính là bước đột phá lớn mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp: từ tập quán canh tác manh mún, nhỏ lẻ thành những vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa. 

Nay thì bà con ở nhiều buôn, làng đã xây dựng được chuỗi sản xuất khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ cho nông sản của mình…!

Trước đây là những rẫy mỳ nhỏ, năng suất thấp, giờ thì hơn 42ha của 278 hộ dân thuộc làng Bút xã An Thành, huyện Đăk Pơ đã trở thành cánh đồng lớn cùng trồng một giống mía, cùng chăm bón, thu hoạch theo một quy chuẩn.

Một ngày chiếc máy trồng mía  có thể trồng trên 5ha mía thay cho hơn 20 lao động. Trên đồng đã có máy móc, bà con nông dân cũng không còn vất vả trong mỗi vụ xuống giống như trước.

Bà Đinh Vót, làng Bút, xã An Thành, huyện Đăk Pơ Gia Lai cho biết: “Lần đầu tiên gia đình tôi trồng mía nhiều như thế này, lúc đầu thì rất lo lắng vì sợ không làm được nhưng nhờ công ty giúp đỡ, có máy móc làm nữa nên gia đình ai cũng mừng, giờ thì chờ mía mọc đều thôi…!”.

Nhà máy đường An Khê là đơn vị doanh nghiệp liên kết với bà con nông làng Bút, hỗ trợ về giống, phân bón và kỹ thuật; đặc biệt là nhà máy đã cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân. Thực tế cho thấy, sản xuất hàng hóa nông sản được thành công và bền vững chỉ khi có được mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, nông dân dưới sự chỉ đạo, giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Vụ mía của tỉnh năm nay được mùa càng khiến bà con làng Bút thêm tin vào mô hình này.

Anh Đinh Trê, làng Bút, xã Anh Thành, huyện Đăk Pơ Gia Lai cũng nói: “Giờ thì chỉ sợ thời tiết khắc nghiệt thôi, mô hình này thì gia đình rất đồng tình, hưởng ứng làm cây mía với mong muốn thoát được cái nghèo”.

Ông Trần Minh Đức, Chủ tịch UBND xã An Thành, huyện Đăk Pơ Gia Lai cho biết: “Với sự chung tay đồng bộ thì đây là mô hình điểm đầu tiên của huyện về sản xuất cánh đồng mẫu lớn mà 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, kỳ vọng thành công chúng tôi sẽ nhân rộng ở 3 làng làm sao để bà con thay đổi tập quán canh tác, nâng cao thu nhập”.

Không còn cảnh tự ai nấy làm, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; khi thu hoạch người nông dân phải tự loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.

Vụ mía của bà con làng Bút năm nay từ khi xuống giống đến ngày thu hoạch đã tạo thành một vòng khép kín, khi tất cả sản phẩm mía sẽ được chuyển về nhà Máy đường An Khê để tiêu thụ. Lần đầu tiên bà con dân tộc thiểu số nơi đây đã coi trồng mía là một hướng có thể thoát nghèo để làm giàu.

Kim Ngân, Đoàn Bình; Phan Nguyên


Lượt xem: 76

Trả lời