Đầu tư cho công tác giáo dục ở xã vùng 3

Cập nhật 03/10/2013, 10:10:45

Xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển nên nhiều năm qua, hệ thống trường lớp học ở các cấp học tại nhiều địa phương, đặc biệt là vùng khó đã được các cấp, ngành quan tâm đầu tư trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đặc biệt, đối với những xã đặc biệt khó khăn thì khi hệ thống trường học từ bậc mầm non đến THPT được đầu tư xây dựng ngay trên địa bàn có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Phóng sự được thực hiện tại xã IaGa, huyện biên giới Chư Prông-1 trong 61 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai.

Một lớp học ở trường THPT Pleime, huyện Chư Prông.

 

Năm học 2013-2014, không chỉ đối với các cấp chính quyền địa phương, mà đặc biệt là phụ huynh và học sinh ở xã đặc biệt khó khăn IaGa và một số xã lân cận trên địa bàn huyện biên giới Chư Prông có thêm một niềm vui mới… Đó là trường THPT Pleime được đầu tư xây dựng và chính thức đi vào hoạt động trên địa bàn. Do vậy, con em ở 5 xã vùng sâu, vùng xa của huyện gồm: Ia Ga, IaPia, Ia Mơ, Ia Lâu, Ia Piơr cảm thấy rất vui mừng, phấn khởi. Bởi ngoài trường lớp mới thì khoảng cách từ nhà đến trường đã được rút ngắn đáng kể và việc đi lại, học hành của học sinh cũng thuận tiện hơn trước rất nhiều. Năm học này, nhà trường có 7 lớp ở 2 khối 10 và 11 với 322 học sinh. Trong đó gần 60% học sinh là người dân tộc thiểu số, khối lớp 10 có 5 lớp với tổng số 255 em.

Không dấu nổi niềm vui sướng của mình Em Bùi Thị Thuyết-Lớp 11 trường THPT Pleime, huyện ChưPrông tâm sự: “Trước đây học ở trường Lê Quý Đôn do nhà xa nên em phải thuê nhà ở trọ. Năm học này học ở trường mới em đi học rất thuận tiện, gần hơn trường cũ, với lại nhà trường có hợp đồng xe đưa đón nữa nên em đi lại dễ dàng”.

Gặp gỡ Bà Hà Thị Vân- một phụ huynh học sinh của nhà trường chúng tôi được bà cho biết những suy nghĩ của mình: “Là người dân chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi vì hiện nay trên địa bàn xã đã có các cấp học, không chỉ con em ở đây mà cả các xã lân cận đi học cũng rất thuận lợi. Trước đây đi học xa phải đưa đón tốn rất nhiều thời gian, giờ đỡ khoản này. Giờ mình tập trung làm ăn để nuôi con ăn học”.

Xã IaGa có 60% học sinh là người dân tộc thiểu số, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Hơn nữa, điều kiện đi lại, đường sá còn xa xôi, cách trở, đặc biệt là mỗi khi mưa gió đã phần nào trở thành rào cản ngăn bước chân đến trường, đến lớp của học sinh, cũng như việc duy trì sỉ số của các trường học, nhất là vào mùa vụ. Nhiều năm nay, hệ thống trường học được đầu tư ngay trên địa bàn không chỉ giúp con em trong xã, mà cả một số xã lân cận thuận lợi hơn trong đi lại và có điều kiện học tập lên cao hơn, đồng thời giúp các trường thêm thuận lợi trong việc duy trì sỉ số. Đây là một trong số ít các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Gia Lai có tất cả các bậc học từ mầm non đến THPT với cơ sở vật chất, trường lớp học được đầu tư xây dựng kiên cố. Khắc phục những khó khăn về đi lại, thiếu thốn về điều kiện sinh hoạt, ăn ở, các thầy cô giáo đã và đang thầm lặng đóng góp công sức với hy vọng sẽ từng bước nâng cao chất lượng dạy và học nơi vùng đất khó.

Trò chuyện với chúng tôi Thầy giáo Tống Thế Cần- Trường THPT Pleime, huyện ChưPrông nói: “Dù chất lượng đầu vào của học sinh còn thấp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu và điều kiện sinh hoạt của giáo viên còn nhiều thiếu thốn nhưng giáo viên chúng tôi đã xác định tư tưởng khắc phục khó khăn, cố gắng hoàn thành tốt công tác dạy và học nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường”.

Khi bài toán về khoảng cách đi lại từ nhà đến trường đã được giải quyết, cộng với sự ủng hộ của cấp Ủy, chính quyền địa phương, sự đồng hành hỗ trợ của phụ huynh học sinh, cũng như sự nhiệt tình, tâm huyết gắn bó với công tác giáo dục vùng khó của các thầy cô giáo, tin rằng con đường đến trường của học sinh ở xã đặc biệt khó khăn Ia Ga nói riêng và huyện biên giới Chư Prông nói chung sẽ vơi bớt những nhọc nhằn, qua đó tạo tiền đề quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, từng bước rút ngắn khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi với vùng khó khăn. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng góp phần từng bước nâng cao chất lượng nguồn lực của địa phương./.

Thiên Thanh-Bích Thủy


Lượt xem: 90

Trả lời