Dấu ấn xây dựng nông thôn mới tại Gia Lai

Cập nhật 29/12/2023, 06:12:38

Năm 2023 qua đi đã để lại nhiều dấu ấn về những nỗ lực của tỉnh Gia Lai trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trên các lĩnh vực. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức với những yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao hơn; nhưng với sự nỗ lực, đoàn kết, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững… Việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hiệu quả đã góp phần tạo hình ảnh nông thôn Gia Lai giàu đẹp, văn minh, phát triển và luôn bừng sức sống mới.

Thường mỗi ngày, ông Hmrick – Già làng của làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku đều dành thời gian để đi dạo quanh ngôi làng của mình. Già Hmrik vui khi đời sống kinh tế của bà con làng Ia Nueng khá dần lên, diện mạo của làng cũng ngày càng đẹp hơn, sạch hơn với những con đường bê tông rộng rãi, ven đường được trồng các loại hoa rực rỡ sắc màu. Những người lớn tuổi trong làng như già có chỗ để tập luyện thể dục mỗi ngày. Làm già làng uy tín ở đây hơn chục năm nay, hơn ai hết, già Hmrik cảm nhận rõ nhất những thay đổi của làng mình từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới.

Già làng Hmrik – Làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku nói: “Già làng cũng tuyên truyền cho bà con/ nhắc nhở bà con lưu giữ truyền thống văn hoá dân tộc. Sẽ cố gắng vận động bà con để bà con hiểu và chung tay xây dựng xã thôn nông mới nâng cao. Bà con trong làng cũng phải quyết tâm cùng với chính quyền xã, thôn, tuyên truyền cho bà con hiểu rõ để bà con đồng lòng, chung tay với chính quyền địa phương làm đúng như các tiêu chí đã đạt ra.”

Biển Hồ là một trong 3 xã của tỉnh Gia Lai đăng ký xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2023. Nhờ tập trung các nguồn lực thực hiện chương trình, đến nay, toàn bộ đường giao thông liên thôn trên địa bàn xã với tổng chiều dài 20 km đã được bê tông hoá, trên 17 km đường nội đồng được cứng hoá. Các thiết chế văn hoá như nhà rông, nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng khang trang. Tại mỗi làng, người dân đã dần làm quen với việc sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn, trên 90% diện tích đất nông nghiệp đã được cơ giới hoá, tưới tiêu tự động. Các điều kiện sống như sử dụng nước sạch, được chăm sóc y tế, có không gian vui chơi, giải trí của người dân đều được đảm bảo.

Bà Đinh Thị Hoa – Phó Chủ tịch UBND xã Biển Hồ, TP. Pleiku nói: “Năm nay thu nhập bình quân đầu người là 57,6 triệu/ người/năm là vượt so với đề ra. Thứ hai là cơ sở hạ tầng của xã cơ bản đã đảm bảo, đường giao tông nông thôn chiếm 97% và đang triển khai thi công để hoàn thành nhiệm vụ 2023. Đời sống của người dân được nâng cao rõ rệt, thu nhập cao. Việc xây dựng nông thôn mới nâng cao mang lại nhiều hiệu quả và lợi ích đúng với phương châm Nhân dân được biết, được làm và được hưởng”.

Thực hiện xây dựng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí mới với những yêu cầu cao hơn đã đặt ra nhiều khó khăn, thử thách cho các địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa phương vùng DTTS. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc phát huy nội lực và tận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ từ Trung ương và tỉnh nên nhiều tiêu chí khó như: Thu nhập, hộ nghèo, giao thông, thiết chế văn hoá, môi trường…đã được nhiều địa phương thực hiện thành công. Qua đó, đã góp phần đưa đời sống của người dân nông thôn được nâng lên, cả về vật chất lẫn tinh thần.

 Anh Rơ Châm Khên – Thôn trưởng kiêm Bí thư Chi bộ làng Phung, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh cho biết: “Trong năm 2023 vừa qua, bà con rất tích cực hưởng ứng thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới như làm đường giao thông nông thôn; trồng con đường hoa, sửa chữa giọt nước. Bà con cũng tích cực tham gia phát triển kinh tế, trồng cây công nghiệp dài ngày mang lại giá trị cao như cà phê, bời lời, mì…Diện mạo làng Phung đã có sự thay đổi rõ nét.”

Ông Nguyễn Văn Hiệu – Chủ tịch UBND xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh cho biết: “Chương trình xây dựng nông thôn mới là mục tiêu quan trọng của xã nên ngay từ đầu năm, xã đã tập trung các nguồn lực để thực hiện chương trình. Hiện xã đang chờ phê duyệt quy hoạch, từ quy hoạch được phê duyệt sẽ kêu gọi thu hút các công trình trọng điểm, các dự án phát triển sản xuất để hoàn thành các tiêu chí còn thiếu trong xây dựng nông thôn mới.”

Năm 2023, Gia Lai dự kiến sẽ tiếp tục có thêm 5 xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 96 xã. Tỉnh cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 124 xã được công nhận đạt chuẩn, trong đó có 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 10 địa phương cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, Gia Lai cũng phấn đấu xây dựng được 402 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Ông Lưu Trung Nghĩa – Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Gia Lai trao đổi: “Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới được 13 năm, đến nay chúng ta đã có được đội ngũ làm công tác xây dựng nông thôn mới thạo việc. Thời gian tới, tỉnh sẽ tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ để tiếp tục thực hiện chương trình hiệu quả.”

Nông thôn mới không chỉ mang lại diện mạo mới cho các thôn, làng trên địa bàn tỉnh mà còn góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, đời sống người dân sung túc, văn minh. Kết quả này đang góp phần củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và là tiền đề quan trọng để tỉnh Gia Lai thực hiện những mục tiêu phát triển mới.

Ngọc Hà – R’Piên – Phi Long


Lượt xem: 7

Trả lời