Dấu ấn nông thôn mới ở làng Hòa Bình và làng Pốt

Cập nhật 15/6/2022, 13:06:56

Thị xã An Khê có 4 làng DTTS là người Bahnar sinh sống tại 2 xã Song An và Tú An. Để giúp bà con vươn lên ổn định sinh kế bền vững, những năm qua, thị xã đã lồng ghép nhiều chương trình, nguồn vốn tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh. Nhờ vậy diện mạo nông thôn mới đã có nhiều thay đổi. Phóng sự ghi nhận tạilàng Hòa Bình-xã Tú An và làng Pốt-xã Song An.

Làng Hòa Bình, xã Tú An trước đây là khu căn cứ cách mạng. Thời kỳ chiến tranh, cuộc sống của bà con đói khổ vì phải ở rừng, ở núi, thiếu thốn đủ bề, bây giờ mọi thứ đã thay đổi hẳn, phần là nhờ các chương trình, chính sách đầu tư của Đảng, Nhà nước, nhất là từ khi có Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về: “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Chương trình đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trịvà phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng làng nông thôn mới. Triển khai chương trình này, từ nguồn kinh phí phân bổ của thị xã An Khê, làng Hòa Bình đã được đầu tư xây dựng các công trình dân sinh thiết yếu, gắn với quy hoạch sắp xếp dân cư, đồng thời vẫn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của người Bahnar ở đây…

Già làng Đinh Lách, làng Hòa Bình, xã Tú An, thị xã An Khê, Gia Lai cho biết: “Làng đây có 113 hộ, những ăm 1975, 1976 giếng nước không có, phải đi từ 4h sáng xách nước dưới suối, bữa nay Nhà nước tạo điều kiện cho dân làng có bể nước, có nhà rông, có giếng nước, dân làng bữa nay mừng vì có nước sinh hoạt. Về làng đây từ năm 1992, nhà nước đầu tư nhiều nguồn vốn chăm lo cho làng Hòa Bình”.

Ông Trần Thanh Cảnh, Chủ tịch UBND xã Tú An, thị xã An Khê, Gia Lai cũng cho biết: “Trong những năm qua, thực hiện Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về xây dựng nông thôn mới trong đồng bào DTTS, được sự quan tâm của Thị ủy, UBND thị xã An Khê về chủ trương xây dựng làng nông thôn mới tại 3 làng của xã Tú An, bằng kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp của thị xã đã hỗ trợ cho địa phương trong năm 2020 là 3,5 tỷ đồng, trong đó, dành nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, cụ thể là quy hoạch khu dân cư, thu hồi, đền bù 1 phần, sắp xếp lại để cấp đất ở cho 3 làng DTTS, mỗi hộ dân được cấp 500m2, từ đó nâng cao đời sống của bà con”…

Tại làng Pốt, xã Song An, những năm gần đây, cuộc sống của bà con cũng đã có nhiều chuyển biến. Về kinh tế, nhiều gia đình đã có nguồn thu ổn định, thậm chí vươn lên làm giàu từ mô hình trồng rừng sản xuất. Trong làng hiện có 65/74 hộ trồng rừng với tổng diện tích gần 110 ha, trong đó, có hơn 20 hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm…

Ông Đinh A Nhiên, làng Pốt, xã Song An, thị xã An Khê, Gia Lai nói: “Tôi ở đây hơn 40 năm rồi, chuyện làm ăn giờ đã đỡ hơn hồi xưa. Bây giờ, đường giao thông, nhà cửa trong làng thay đổi hết. Bà con làm kinh tế trồng cây keo, thu nhập ổn định”.

Đầu năm 2019, xã Song An đã lập Đề án xây dựng làng Pốt thành làng nông thôn mới. Từ các nguồn vốn huy động được, đến nay, xã đã đầu tư sửa chữa công trình thủy lợi, đường giao thông, cải tạo cảnh quan môi trường… Trong nhịp sống mới ở làng Pốt hôm nay, xen lẫn những ngôi nhà xây, nhà sàn kiên cố là những con đường bê tông nối ngôi làng với các cánh đồng, cánh rừng keo xanh ngút ngàn tầm mắt…/.

 Song Nguyễn-  Minh Vũ – Viễn Khánh


Lượt xem: 11

Trả lời