Đất Bằng- những năm tháng kháng chiến

Cập nhật 23/8/2018, 08:08:40

Hình ảnh vùng căn cứ cách mạng Đất Bằng, huyện Krông Pa vẫn còn in đậm trong tâm thức với những kỷ niệm sâu sắc của nhiều người từng tham gia kháng chiến ở nơi đây. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ vĩ đại của dân tộc, dù trong mưa bom bão đạn ác liệt, nhưng cán bộ và nhân dân xã Đất Bằng vẫn luôn kiên cường bám trụ, một lòng theo Đảng, Bác Hồ, cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng, vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Những câu chuyện kháng chiến, những chiến công vẻ vang của quê hương trong đấu tranh đánh đuổi quân thù vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của ông Rơ Ô Blia và bao người khác ở vùng căn cứ cách mạng Đất Bằng, huyện Krông Pa. Trong những năm kháng chiến, tại những cánh rừng già, những dãy núi sừng sững bao bọc thung lũng Đất Bằng là nơi hoạt động cách mạng của các đơn vị lực lượng vũ trang cùng cán bộ, nhân dân địa phương. Dãy núi Chư Gaih là căn cứ của huyện H2(cũ), tại đây chi bộ Đảng đầu tiên khu vực phía Nam tỉnh Gia Lai đã được thành lập, do đồng chí Ksor Ní- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai làm bí thư chi bộ. Với vai trò trung tâm và là tuyến hành lang, căn cứ địa cách mạng Đất Bằng có sức lan tỏa rất lớn về các phong trào đấu tranh anh dũng bất khuất chống quân thù ở khu vực phía Nam của tỉnh Gia Lai.

Ông Rơ Ô Blia- xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, Gia Lai cho biết: “Trong những năm kháng chiến, địch càn quét rất dữ dội, buôn làng bị tàn phá nhưng cán bộ và nhân dân trong xã Đất Bằng vẫn kiên cường bám trụ, tích cực đóng góp hỗ trợ cho bộ đội đánh giặc. Cán bộ và nhân dân trong xã rất vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Chiến công nối tiếp chiến công, bước sang giai đoạn cách mạng mới, cán bộ và nhân dân xã Đất Bằng chung sức chung lòng kiến thiết xây dựng quê hương, hàn gắn xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, khôi phục sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội. Tại xã, nhiều dự án về phát triển sản xuất đã được triển khai và phát huy hiệu quả; hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được hoàn thiện… thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ và nhân dân Đất Bằng Anh hùng. Đặc biệt, con đường từ thị trấn Phú Túc qua xã Ia Mah đến xã Đất Bằng nối với huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên đang được đầu tư xây dựng kiên cố, đã tạo động lực phát triển kinh tế, kết nối giao thương giữa các địa phương. Trên vùng đất năm xưa bị chiến tranh tàn phá nặng nề giờ đây đã hình thành những vùng chuyên canh sản xuất mì, lúa nước, mía… với phương thức sản xuất tiến bộ, trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều người dân trong xã.

Anh Rơ Mah Hah- người dân xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, Gia Lai nói: “Người dân trong xã Đất Bằng luôn nỗ lực cố gắng thi đua lao động sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng mì, mía, bắp… nên cuộc sống giờ đã cải thiện rất nhiều, không còn đói khổ như trước đây nữa”.

Ông Kpă Lim – Bí thư Đảng ủy, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, Gia Lai cũng khẳng định: “Truyền thống quý báu của cán bộ và nhân dân trong xã Đất Bằng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác đó là luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống cách mạng, chung sức chung lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Tuy nhiên, là địa phương nằm ở vùng sâu vùng xa, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đất đai kém màu mỡ… nên Đất Bằng gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế – xã hội, hiện xã mới chỉ đạt 12 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, tỷ hệ hộ nghèo gần 40%. Đặc biệt, nguồn nước phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân trong xã rất khan hiếm… Từ thực tiễn đó, quê hương cách mạng Đất Bằng đang cần những nguồn lực và những chương trình đầu tư mới để tháo gỡ khó khăn, tiếp tục phát triển./.

 Hà Đức, R’Piên


Lượt xem: 38

Trả lời