Đánh thức năng lượng tái tạo – Cú hích phát triển Gia Lai

Cập nhật 25/1/2022, 09:01:41

Sau thành công về phát triển thủy điện với các nhà máy quy mô lớn như Ya Ly, Sê San và hàng chục nhà máy thủy điện vừa và nhỏ khác, thì hiện nay tỉnh Gia Lai đang khai thác rất hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối. Năm 2021 trong khi nhiều địa phương tăng trưởng âm thì tỉnh Gia Lai lại dẫn đầu Tây Nguyên với mức tăng 9,71%, trong đó có sự đóng góp rất lớn của ngành năng lượng tái tạo, nhất là các dự án điện gió.

Ấn tượng và thành công nhất của tỉnh Gia Lai trong năm 2021 là các dự án điện gió đã khắc phục được những khó khăn chưa từng có trong tiền lệ và đã lần lượt về đích đúng tiến độ. Tính đến hết ngày 31/10/2021, tỉnh Gia Lai có 11/16 dự án điện gió hoàn thành và vận hành thương mại (COD) với tổng công suất 563,4 MW, chiếm tỷ lệ 47,23%. Trong đó, có 07/16 dự án điện gió được COD 100% với tổng công suất 446,2 MW. Thi công trong một điều kiện hết sức khó khăn vừa thực hiện công tác phòng chống dịch Covid – 19, vừa chịu áp lực về tiến độ trong khi cao điểm thi công lại là mùa mưa, thế nên để các dự án hoàn thành, đưa vào vận hành đúng tiến độ, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm rất lớn của tỉnh Gia Lai cũng như các chủ đầu tư.

Ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai cho biết: “Đặc biệt là trong giai đoạn vận chuyển thiết bị, phải giải phóng đường dây điện và đường dây viễn thông với khối lượng lớn . Sở Công Thương cùng các sở, ngành cùng hỗ trợ cùng giải phóng nên việc vận chuyển thiết bị về các công trình đảm bảo. Đó chính là một trong những nhân tố để đảm bảo tiến độ thi công công trình. Đạt được sự thành công này có sự hỗ trợ rất lớn của các địa phương, sở ngành, sự quyết tâm của các DN đã đầu tư vào GL. Chính nhờ đó Gia Lai đã về đích 563 MW và là tỉnh đứng thứ 2 cả nước được đóng điện, vận hành thương mại đúng tiến độ”.

Các dự án điện gió hoàn thành, đi vào vận hành là nhân tố tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cũng như góp phần tạo dư địa tăng trưởng nguồn thu ngân sách trước mắt và ổn định lâu dài, đồng thời gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp. Ngoài ra, người dân còn được hưởng lợi về các đường giao thông của dự án.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc kỹ thuật Dự án Điện gió Ia Pếch 1 & 2, Đăk Đoa cho biết: “Đến nay thì hai dự án điện gió Ia Pếch 1 & 2 đã hoàn thành và đi vào hoạt động đúng tiến độ. Thông qua các dự án sẽ mang lại những hiệu quả kinh tế – xã hội rất lớn cho địa phương. Không chỉ đóng góp cho ngân sách mà còn tham gia giải quyết việc làm và đầu tư hoàn thiện nhiều hạ tầng giao thông ở các xã thuộc phạm vi dự án đầu tư”.

 Chị Dô, Làng Blo, xã A Dưk, huyện Đăk Đoa, Gia Lai nói: “Bà con trong làng rất vui vì con đường này đã được làm lại, đi lại dễ dàng hơn ngày trước. Trước kia đến mùa mưa là chỉ đi bộ chứ đi xe không được. Từ khi có đường mới bà con không phải đi đường vòng để đi vào rẫy nữa. Ở đây bà con ai cũng phấn khởi lắm”.

Với mức đầu tư trung bình 35 tỷ đồng cho 1 MW điện gió, như vậy với 16 dự án, tổng công suất 1.142 MW, không chỉ bổ sung nguồn lực đầu tư rất lớn mà còn góp phần đáng kể vào nguồn thu ngân sách của địa phương theo mức quy đổi trung bình mỗi MW nộp ngân sách 550 triệu đồng/năm. Không chỉ có điện gió, tỉnh Gia Lai còn đang khai thác hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo khác như: Điện mặt trời, Điện sinh khối…Đây được xác định là những nhân tố đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Gia Lai không chỉ đột biến trong năm 2021 mà còn mang tính ổn định lâu dài. Kinh tế Gia Lai đang hứa hẹn sẽ bứt phá mạnh mẽ nhờ sự ưu ái mà thiên nhiên đã ban tặng cho Gia Lai với những nguồn năng lượng tái tạo rất dồi dào mà rất ít địa phương có được điều đó.

Hồng Uyên, Viễn Khánh


Lượt xem: 29

Trả lời