Dân vận chính quyền lấy người dân làm trọng tâm

Cập nhật 08/4/2023, 14:04:32

Công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp có vai trò quan trọng trong việc tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước. Những năm gần đây, công tác dân vận chính quyền trên địa bàn tỉnh Gia Lai tiếp tục có chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào tạo sự đồng thuận xã hội, khi luôn đồng hành cùng Nhân dân, và lấy lợi ích của người dân làm trọng tâm.

Là một trong những địa phương đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của thị xã An Khê, xã Cửu An bắt tay ngay vào việc củng cố vững chắc các tiêu chí nông thôn mới. Ngoài việc trực tiếp thực hiện các phần việc dựa trên tiềm lực và nguồn vốn phân bổ, UBND xã phân công các thành viên ủy ban nhân dân, cán bộ, công chức phụ trách mảng phối hợp với các tổ chức đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực thực hiện. Đặc biệt, lãnh đạo, người đứng đầu địa phương cũng là những người làm công tác dân vận một cách thuyết phục, để người dân sẵn sàng hiến đất, làm đường lớn.

Bà Trần Thị Hải – Thôn An Bình, xã Cửu An, thị xã An Khê chia sẻ: “Khi mà nghe Ủy ban có chủ trương sẽ mở một con đường lớn nối thôn, mình thấy rất là hợp lý, vì lâu nay bà con đi lại xa quá, nếu có đường mở lối đây thì thuận tiện nhiều. Tôi đồng ý hiến đất, và vận động thêm các hộ dân xung quanh cùng nhau hiến đất để làm đường.”

 Bà Nguyễn Thị Phúc – Chủ tịch UBND xã Cửu An, thị xã An Khê thông tin: “Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016, chúng tôi đã có kế hoạch, tiếp tục triển khai các nội dung để xây dựng nông thôn mới nâng cao. Các tuyến đường mới vẫn tiếp tục được hoàn thiện để cải thiện hơn nữa hệ thống giao thông trên địa bàn. Các công trình, nhu cầu đầu tư được cấp trên quan tâm, xã cũng xã hội hóa để xây dựng nông thôn mới có hiệu quả hơn, dựa trên sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân.”

Mỗi địa phương, mỗi nỗ lực riêng, Gia Lai cũng thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, nhất là xây dựng làng NTM trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính; rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính không còn phù hợp và công khai đúng quy định; từng bước đơn giản hóa các loại hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết vụ việc. 2.063/2.063 bộ thủ tục hành chính của tỉnh được cung cấp qua dịch vụ công trực tuyến. 100% sở, ngành và tương đương; 100% xã, phường, thị trấn thực hiện cơ chế “một cửa” “một cửa liên thông”. Chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, chỉ số quản trị hành chính công có sự cải thiện đáng kể. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2021 của tỉnh đứng thứ 26 toàn quốc, đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên, tăng 12 bậc so với năm 2020.

Bà Vũ Thị Hà Giang – Chủ tịch UBND xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa cho biết: “Từ hơn một năm nay bộ phận một cửa tuyến xã chúng tôi đã được nâng cấp với thiết bị, máy móc và nhân lực phù hợp hơn. Người đứng đầu chính quyền cấp xã cũng đã áp dụng chữ kí số cho một số chứng từ, thủ tục. Giấy tờ, thủ tục hành chính của công dân khi thực hiện tại đây hầu hết được giải quyết trong ngày.”

Các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Trong 5 năm qua, cấp ủy các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức 1.330 cuộc tiếp xúc, đối thoại với 127.225 lượt người tham dự, có 10.350 lượt ý kiến tham gia, trong đó có 8.797 ý kiến được giải đáp trực tiếp ngay tại hội nghị (chiếm khoảng 85%), 15% lượt ý kiến được các cơ quan, đơn vị nghiên cứu trả lời bằng văn bản theo thẩm quyền. Qua đó, giải quyết tốt nhiều vụ việc nổi lên ở cơ sở, góp phần ổn định an ninh trật tự tại các địa phương trong tỉnh.

Tiến sĩ Trần Nam Trung – Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai cho biết: “Điều mà chúng ta phải làm thường xuyên, liên tục nhất, chính là việc cải cách bộ máy hành chính, đem lại sự phục vụ tận tình, hiệu quả hơn nữa cho người dân. Cán bộ, công chức từ cấp huyện, cấp xã hay cấp tỉnh trong hệ thống chính trị của tỉnh phải luôn lấy điều này làm trọng để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ đề ra.”

Ông Đinh Văn Dũng – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Chư Prông trao đổi: “Cấp ủy, chính quyền tập trung công tác tuyên truyền, lấy đây làm trọng tâm để tạo sự đồng thuận, nhất trí từ trên xuống dưới để thực hiện các nhiệm vụ đặt ra. Cán bộ, công chức, đảng viên nắm chắc chủ trương, người dân hiểu được đường lối thì sẽ có được sức mạnh tổng hợp để các mục tiêu, Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.”

Năm 2023, công tác dân vận chính quyền ở Gia Lai tập trung thực hiện có hiệu quả chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kì 2020-2025, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chỉ thị số 14 CT-UBND của UBND tỉnh Gia Lai “về đổi mới công tác dân vận của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh”. Cùng với đó tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai các chương trình, đề án phát triển kinh tế- xã hội gắn với tiếp tục chăm lo, nâng cao đời sống, bảo đảm lợi ích chính đáng người dân. Phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế- xã hội của năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kì 2020-2025./.

Minh Lý – Viễn Khánh – Ksor Tuối


Lượt xem: 8

Trả lời