Đăk Pơ ưu tiên sản xuất rau xanh bằng công nghệ cao

Cập nhật 25/10/2016, 14:10:59

Ngoài thế mạnh về cây mía đã và đang phát triển ổn định nhờ các chính sách đầu tư phát triển vùng nguyên liệu của Nhà máy đường An Khê, huyện Đak Pơ còn có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển rau màu với quy mô diện tích lớn nhất tỉnh Gia Lai hiện nay. Tuy nhiên, thế mạnh này vẫn chưa được đầu tư khai thác tương xứng với tiềm năng hiện có.

25-10-dakpo

Toàn huyện Đak Pơ hiện có trên 6.500 ha rau màu các loại, trong đó tập trung chủ yếu ở xã Tân An và Cư An. Đây  được coi là vựa rau lớn của huyện Đak Pơ,cung cấp không chỉ cho thị trường trong tỉnh mà còn vươn tới nhiều tỉnh: Quảng Nam, Quảng Trị, TP.Đà Nẵng, Huế… với mỗi ngày hàng ngàn tấn rau xanh. Rau ở đây rất đa dạng về chủng loại như: su hào, cải bắp, cải xanh, xúp lơ, hành, ngò, mùi, xà lách…

Dựa vào nhu cầu về nguồn cây giống trên địa bàn huyện, những năm gần đây, nhiều nông dân ở huyện Đăk Pơ đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để làm vườn ươm cây giống nhà lồng.Với đặc thù sản xuất chủ yếu là trồng cây rau màu nên xã Tân An là xã có số vườn ươm nhiều nhất huyện với 4 vườn ươm lớn.Theo đánh giá của những người sản xuất, đây là vườn ươm cây giống chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Nhà lồng được đầu tư bài bản, kiên cố vững chắc, hệ thống tưới rộng khắp giúp cho việc ươm cây giống cung cấp cho thị trường quanh năm.

ÔngNguyễn Văn Hưng-xã Tân An, huyện Đak Pơ cho biết: “Có thể thấy hiệu quả kinh tế rất cao so với ươm truyền thống. Cây rất đồng đều khi ra ngoài. Hiện nay nhu cầu cây giống rất cao nếu còn diện tích thì gia đình tôi tiếp tục phát triển theo mô hình này”.

Anh Tô Bình Lập- xã Nam Yang, huyện Kôngchro nói: Trước kia mình đi mua giống đại lý gieo tỷ lệ không đồng đều,thất thoát rất nhiều khoảng 30-50%.Từ khi có vườn ươm tỷ lệ trồng đạt 90%,đảm bảo cây sinh trưởng tốt sơn so với trước  kia.

Ở 2 xã Tân An và Cư An việc trồng rau trở thành một nghề chính và dần hình thành vùng chuyên canh nên nhiều người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: trồng rau trong nhà lồng, mô hình Vietgap trên cây rau, rau an toàn, đưa nhiều giống mới, giống ngắn ngày hiệu quả kinh tế cao.

Mặc dù sở hữu điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển các loại rau xanh cộng với kinh nghiệm tích lũy nhưng dường như người dân huyện Đak Pơ vẫn chưa làm chủ được nghề của mình theo đúng nghĩa. Sản phẩm làm ra lệ thuộc quá nhiều vào thị trường và trực tiếp là các đại lý thu gom ép giá khiến nông dân vẫn bị  thiệt thòi.

Ông Đoàn Minh Duy- Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đak Pơ cho biết: “ Hiện nay người dân trồng rau mà không quyết định được giá của  mình. Có nghĩa là sau khi thu mua rau bán ra thị trường xong, các đầu nậu mới thông báo giá cho chủ rau. Trong khi đó người dân chưa chú trọng đến việc liên kết sản xuất cũng như thành lập hợp tác xã. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức học tập mô hình sản xuất rau ở Lâm Đồng và tìm đầu ra ổn định cho rau xanh, không chỉ cung cấp ở các chợ truyền thống mà còn ở siêu thị, tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

Tiềm lực rõ rồi nhưng tìm được giải pháp mang tính bền vững, làm sao tạo thế làm chủ cả ở khâu sản xuất lẫn tiêu thụ rau xanh cho nông dân đang được huyện Đak Pơ quan tâm chú trọng, trong đó ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án sản xuất công nghệ cao vào lĩnh vực này, để góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện ./.

Thiên Nga- Hồng Uyên-Thanh Sáng


Lượt xem: 125

Trả lời