Đak Pơ tăng cường công tác quản lý, khai thác khoáng sản

Cập nhật 05/10/2016, 13:10:44

Đak Pơ là một trong những huyện nghèo về nguồn tài nguyên khoáng sản, tuy nhiên không vì thế mà công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện bị buông lỏng. Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, nhất là khai thác đá xây dựng, đá Grobo ốp lát… luôn có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng.

4-10-dakpo

Trên địa bàn huyện Đăk Pơ hiện có 3 đơn vị được cấp giấy phép khai thác khoáng sản, trong đó có hai Doanh nghiệp khai thác đá xây dựng và đá Grobo ốp lát và một Doanh nghiệp khai thác đất sét nung gạch, ngói. Những năm trước đây khi chưa có Luật bảo vệ môi trường một số đơn vị khai thác khoáng sản được phép khai thác và vận chuyển nguyên liệu đi nơi khác chế biến, gây khó khăn cho công tác quản lý. Tuy nhiên kể từ khi Luật bảo vệ môi trường ra đời các đơn vị khai thác khoáng sản phải tuân thủ nghiêm các qui định của Nhà nước, vì thế công tác quản lý có nhiều thuận lợi hơn.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn-Phó trưởng phòng TN-MT huyện Đăk Pơ cho biết:“Nhìn chung các DN trên địa bàn thực hiện đầy đủ các qui định về thủ tục theo đúng luật và qui định của Nhà nước  như giấy phép khai thác, phương án đánh giá tác động môi trường, ký quỹ bảo vệ môi trường vv, ngoài ra các doanh nghiệp hoạt động chấp hành tốt việc khai thác đúng diện tích và thực hiện báo cáo đầy đủ, cũng như các qui định khác của nhà nước”.

Mặc dù huyện Đăk Pơ có chủ trương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN đến đầu tư khai thác khoáng sản trên địa bàn để tăng thêm nguồn thu cho huyện, tuy nhiên không vì thế mà công tác quản lý việc khai thác khoáng sản, cũng như công tác bảo vệ môi trường bị buông lỏng.

Ông Mai Toàn Thắng-Phó Giám đốc Công ty cổ phần quản lý và sữa chữa đường bộ Gia Lai nói: Hoạt động của mỏ thì các máy xay nghiền đá đây được đơn vị triển khai lắp đặt các hệ thống phun sương phun nước để chống bụi tránh ô nhiễm môi trường và các khu nước đổ thải thì đơn vị cũng đào hố và cho lắng và để thấm.

Theo quy định mới các Doanh nghiệp phải tự khảo sát điều tra trữ lượng khoáng sản để đăng ký nộp thuế, nộp phí trước khi khai thác, vì vậy các đơn vị sẽ nâng cao trách nhiệm của mình trong việc khai thác khối lượng khoáng sản như đã kê khai. Nếu không đủ khối lượng thì Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm. Mặt khác sau khi khai thác khoáng sản, các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bồi hoàn lại nguyên trạng đất đai để tái tạo phủ cây xanh cho diện tích đất đã khai thác khoáng sản, nhằm đảm bảo môi trường, sinh thái lâu dài, nếu không sẽ bị cơ quan chức năng xử lý rút giấy phép kinh doanh…

Ông Nguyễn Quốc Tuấn-Phó trưởng phòng TN-MT huyện Đăk Pơ cho biết: “Trong thời gian tới, Phòng TN-MT sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đăk Pơ để tăng cường công tác quản lý về Tài nguyên-khoáng sản và công tác bảo vệ môi trường bằng hình thức thường xuyên tổ chức kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản và công tác bảo vệ môi trường ở các điểm khai thác trên địa bàn huyện và kịp thời chấn chỉnh nếu có sai phạm xảy ra”.

Với sự quản lý chặt chẽ trong việc khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện, cùng sự ràng buộc chặt chẽ của Luật khoáng sản 2010 và Luật bảo vệ môi trường năm 2014, các Doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Đak pơ luôn tuân thủ theo đúng các qui định của Nhà nước, đồng thời công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái khu vực khai thác khoáng sản  được các Doanh nghiệp chú trọng, nâng cao.

Xuân Duẩn-Duy Linh

 


Lượt xem: 113

Trả lời