Đăk Pơ: Nhân rộng các mô hình điểm Hợp tác xã kiểu mới

Cập nhật 30/12/2018, 06:12:15

Vẫn còn đó một số khó khăn nhất định như: thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực có trình độ; việc chủ động tìm thị trường, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm còn yếu…Tuy nhiên, sau gần 5 năm hoạt động theo cơ chế mới, nhiều Hợp tác xã Nông nghiệp tại Gia Lai phát huy được hiệu quả trong xây dựng được chuỗi sản xuất nông nghiệp, từng bước khẳng định ý nghĩa, vai trò của Hợp tác xã trong nền kinh tế tập thể và là chỗ dựa tin cậy cho người nông dân.

   

Hơn 2 năm nay, hoạt động sản xuất của ông Đặng Văn Minh ở thôn Tân Hiệp, xã Tân An, huyện Đăk Pơ thuận lợi hơn rất nhiều, thu nhập từ việc trồng rau xanh của gia đình cũng tăng gấp 2, 3 lần. Có được kết quả này là nhờ ông tham gia vào làm thành viên của Hợp tác Nông nghiệp và Dịch vụ An Trường Phát, được hợp tác xã tại đây tư vấn kỹ thuật sản xuất, lo đầu vào đầu ra sản phẩm.

Ông Đặng Văn Minh, xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Trường Phát, Tân An, Đăk Pơ chia sẻ “Nay mình làm dưới sự định hướng của hợp tác xã, theo nhu cầu của thị trường, đáp ứng được tiêu chí cung cầu nên lợi nhuận cũng được tăng lên, hạn chế được tình trạng sản phẩm làm ra lúc thì thiếu, lúc thì thừa, nên bà con rất phấn khởi…”

Dưới sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, các hợp tác xã trên địa bàn huyện Đăk Pơ đang nỗ lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hỗ trợ vốn, giống; hỗ trợ chế biến sản phẩm; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho các xã viên.

Năm 2012, Hợp tác xã vụ Vận tải Đăk Pơ chỉ có 10 thành viên, nhờ đổi mới hoạt động theo phương thức hợp tác xã kiểu mới đến nay số thành viên đã lên đến trên 50 người với 30 đầu xe vận tải hàng hóa và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho nông dân. Yếu tố thu hút bà con tham gia là vì mô hình mới này đã tăng cường tư cách pháp nhân cho thành viên của hợp tác xã.

Ông Lê Trường Hải, Giám đốc HTX Dịch vụ Vận tải Đăk Pơ, Gia Lai cho biết “Trước đây vùng An Sơn buôn bán mang tính chất tự phát thôi, sau đó mình mới xây dựng nên Hợp tác xã Vận tải để đi thu gom nông sản, nhưng để cho hoàn thiện thì mình thành lập thêm dịch vụ mua bán hàng nông sản, trong quá trình thu mua thì trực tiếp mình có tham gia quy trình sản xuất với người nông dân, rồi xã viên mới đi thu gôm và phân phối lại cho các tỉnh.  ”

Một tin vui vừa đến với bà con nông dân huyện Đak Pơ. Hướng tới một thương hiệu cho vùng chuyên canh rau An Sơn và na dai Đá lửa, huyện Đak Pơ vừa phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai, khởi động dự án với mức kinh phí đầu tư ban đầu 800 triệu đồng. Theo đó Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ 400  triệu đồng cho xây dựng hai thương hiệu trên, huyện Đak Pơ đầu tư 400 triệu cho thương hiệu  ra An Sơn. Được biết từ nguồn kinh phí trên huyện Đak Pơ sẽ đầu tư hỗ trợ thông qua hoạt động của HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, uy tín trên địa bàn.

Ông Nguyễn Hiệp, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đăk Pơ, Gia Lai cho biết “Gần đây bà con tập trung tham gia vào hợp tác xã để tránh tình trạng hợp đồng, các rau trôi nổi trên thị trường, mau bán chủ yếu qua điện thoại vào hợp tác xã là ký hợp đồng bà con rất là tin tưởng tham gia vào hợp tác xã. Đến nay rau trên địa bàn huyện Đăk Pơ số lượng tiêu thụ không chỉ trên địa bàn mà còn xuất qua các tỉnh như: Đà Nẵng, Huế, Hà Nội… một ngày có thể đi 150 tấn các loại, đây là tín hiệu đáng mừng. ”

Hiện huyện Đăk Pơ đã thành lập được 6 hợp tác xã, trong đó có 5 HTX nông nghiệp và dịch vụ, 1 HTX dịch vụ vận tải hoạt động theo cơ chế mới, tuy mới là sự khởi đầu nhưng các hợp tác xã đang dần ổn định và làm ăn có hiệu quả, thay đổi được tư duy sản xuất cũ, manh mún, nhỏ lẻ của người nông dân và hướng đến mô hình liên kết chuỗi. Đây là bệ đỡ vững chắc cho nông dân cũng như nền nông nghiệp huyện Đăk Pơ trong thời gian tới…

Ông Huỳnh Văn Hơn, phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Pơ, Gia Lai cho biết “Nói khác với các điểm sản xuất cũ là gì, nông dân được sự kiểm soát các quy trình kỹ thuật về thuốc bảo vệ thực vật, chu kỳ sản xuất gắn với nhu cầu nơi tiêu thụ, khi đó khô dẫn đến hiện thượng thừa thiếu và mất giá, tổ chức này sẽ ổn định hơn và tạo điều kiện cho người dân. Tuy nhiên việc chuyển đổi ở bước đầu, và chúng tôi đang thực hiện theo mô hình vếch dầu loan, từ mô hình điểm để nhân rộng.”

Kim Ngân – Gia Cư – Mạnh Hà – Ksor Tuối

 


Lượt xem: 201

1 thought on “Đăk Pơ: Nhân rộng các mô hình điểm Hợp tác xã kiểu mới”

Trả lời