Đăk Pơ đẩy mạnh xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở vùng ĐBDTTS

Cập nhật 05/5/2017, 08:05:40

Làm thế nào để thúc đẩy kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con là nỗi trăn trở lớn nhất hiện nay của nhiều  địa phương. Từ những trăn trở này, một số  địa phương đã rất nỗ lực triển khai thực hiện nhiều giải pháp để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con. Một trong những giải pháp đó là vận động bà con thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất. Hiện nay Đăk Pơ là một trong những địa phương đang rất tích cực triển khai thực hiện giải pháp này ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và kết quả bước đầu đạt được rất đáng phấn khởi.

Cánh đồng mía mẫu lớn làng Pút thuộc xã An Thành mới được xây dựng năm đầu tiên với quy mô 31 ha của 27 hộ. Trước đây bà con chủ yếu trồng mì, trồng bắp, nhưng năng suất đạt rất thấp, thu nhập mang lại không đáng kể. Chính vì vậy mà cuộc sống của bà con nơi đây bao năm qua vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả. Bắt đầu từ năm nay chuyển sang mô hình cánh đồng mía mẫu lớn, bà con hy vọng thu nhập sẽ tăng cao hơn.

 Đinh Trêh,  Làng Put, xã An Thành, huyện Đăk Pơ cho biết: “Trước đây làm bắp, làm mì không đủ ăn, vất vả lắm. Năm vừa rồi nhà máy, địa phương vận động, hỗ trợ bà con để làm cánh đồng mẫu lớn. Nhìn cây mía phát triển như hiện nay bà con cũng phấn khởi lắm”.

Trước đây một số xã trên địa bàn huyện Đăk Pơ cũng đã có một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia xây dựng cánh đồng mẫu lớn nhưng không mang tính tập trung mà xen lẫn với các hộ người Kinh. Còn cánh đồng làng Pút là cánh đồng mía mẫu lớn đầu tiên của huyện Đăk Pơ có 100% hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đây cho thấy một quyết tâm rất lớn của huyện Đăk Pơ về đây mạnh xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Đoàn Minh Duy, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đăk Pơ cho biết: “Từ thành công của cánh đồng mía mẫu lớn của làng Pút trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục nhân rộng ra một số địa bàn khác để góp phần tăng giá trị sản xuất trong vùng đồng bào, góp phần thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo”.

Ngoài cánh đồng mẫu lớn làng Pút, năm nay lần đầu tiên xã Tân An cũng có một cánh đồng lớn quy mô 15 ha cũng cho thu hoạch. Bà con rất phấn khởi vì nhờ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nên năng suất đạt cao hơn nhiều so với sản xuất nhỏ lẻ mặc dù thời điểm xuống giống năm 2016 đúng vào cao điểm nắng hạn.

Bà Đinh Thị Hương, xã Tân An, huyện Đăk Pơ nói: Trước đây đất đây làm mì thì không đạt đầu tấn. Năm nay năm đầu tiên làm cánh đồng mía mẫu lớn thấy cây mía phát triển tốt. Hy vọng đạt đầu tấn, bà con sẽ thoát nghèo.  Thấy cây mía phát triển tốt bà con cũng mừng.

Ông Đinh Đen. Làng Leng Tô, thị trấn Đăk Pơ cũng cho biết: “Trước kia làm bằng cuốc, bằng tay vất vả. Năm nay nhà máy đường giúp bà con tất cả từ bỏ phân, làm cỏ, thu hoạch, bà con đỡ vất vả hơn. Năm nay đầu tư nhiều phân thấy cây mía phát triển tốt, cao hơn, bà con rất phấn khởi”.

Không dễ để vận động bà con đồng bào dân tộc thiểu số mạnh dạn tham gia phát triển cánh đồng mẫu lớn, nên với kết quả đạt được hiện tại cho thấy Đăk Pơ đang rất quyết tâm để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con, góp phần thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trên cơ sở kết quả đạt được sẽ tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện mục tiêu xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở những vùng đồng bào còn lại trong thời gian tới mà Đăk Pơ đang đặc biệt quan tâm thực hiện.

Hồng Uyên, Duy Linh


Lượt xem: 64

Trả lời