Đak Đoa – Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Cập nhật 18/12/2022, 08:12:50

Là địa phương có tới 34 dân tộc anh em cùng sinh sống, phần lớn là đồng bào Bahnar và Jrai còn đang lưu giữ nhiều sắc màu văn hoá, lễ hội độc đáo của cư dân bản địa, Đak Đoa là một trong những điểm đến lý tưởng cho du khách trong hành trình khám phá, thưởng thức cảnh sắc, con người khi đến với Gia Lai. Cùng với những đường hướng phát triển du lịch của địa phương, bản sắc, nét đẹp từ văn hóa truyền thống tại đây không chỉ là tài sản vô giá mà còn là tài nguyên quý rất cần được khai thác, bảo tồn và phát huy rộng rãi.

Cánh đồng của những đại dự án điện gió Ia Pêt đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách khi đến với Đak Đoa. Trong hành trình đến đây, du khách có thể ghé thăm làng nghề Ngâm Thung- ngôi làng của những chiếc gùi truyền thống. Ở đây, bất kì thời điểm nào, trên khắp những hiên nhà, những mái chòi thấp, dưới những bóng cây cổ thụ…đều có những người lớn tuổi cùng nhau đan gùi. Tuổi già, lưng cứng, sức không còn bền như trai trẻ, nhưng những ngón tay đan vẫn mềm mại, thoăn thoắt trên những sợi dây mềm. Những chiếc gùi với hoa văn độc đáo, vừa có giá trị sử dụng, vừa có giá trị trưng bày mỗi ngày một nhiều lên, chất cao bằng chiều cao của người Jrai trưởng thành, sẵn sàng chờ thương lái đến đem đi các vùng miền.

Ông Glol – Làng Ngâm Thung, xã Ia Pêt, huyện Đak Đoa cho biết: “Thuở xưa ông cha đi làm xa, đi đường xa đường vòng đều mang gùi theo. Đến bây giờ cũng vậy, đi đâu cũng mang gùi, quý lắm. Gùi mang cơm, gùi đựng nước. Người Jrai mình rất quý gùi”.

Ông Lê Văn Bài – Công chức Văn hóa- Xã hội xã Ia Pêt, huyện Đak Đoa cũng cho biết: “UBND xã đã tham gia một số hoạt động quảng bá sản phẩm của làng nghề, đặc biệt chúng tôi đang đẩy mạnh việc xây dựng khu nhà trưng bày để phát triển hơn nữa nghề truyền thống gắn với du lịch tại địa bàn. Hi vọng sẽ là điểm đến hấp dẫn với du khách”.

Trên những thôn làng vùng đồng bào DTTS, du khách cũng có thể cuốn theo những điệu xoang chếnh choáng, chìm đắm với không gian tâm linh của những lễ hội truyền thống của người Bahnar, Jrai, như Lễ mừng lúa mới, mừng nhà rông mới, lễ cúng bến nước… Những lễ hội không chỉ mang ý nghĩa mừng vui, mà còn là cả tâm tư của cả cộng đồng gửi đến các vị thần linh, ước mong một cuộc sống ấm no, đủ đầy với mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu…

           Nhằm bảo tồn, lưu giữ những nét đẹp văn hoá truyền thống đa sắc màu, ngành chức năng địa phương đang đẩy mạnh các hoạt động phục dựng, trình diễn. Vì đó không chỉ là không gian để sắc màu văn hóa truyền thống được phô diễn, nâng niu, quý trọng mà còn trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc cho du khách chiêm ngưỡng, trải nghiệm khi đến với nơi đây.

Già Làng Nhêp – Làng Tul – Đoa, xã Đak Sơmei, huyện Đak Đoa nói: “Được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện để bà con phục dựng Lễ Mừng lúa mới, dân làng rất phấn khởi. Năm nay, lúa được mùa, kho lúa nào cũng đầy, nhà nào cũng ấm no nên dân làng mừng lúa mới và để tạ ơn thần linh đã ban cho dân làng một vụ mùa no ấm. Cả  làng mình tập trung 1 ngày, quây quần đánh chiêng, múa, hát, uống rượu cần, đông vui lắm”.

Bà Đặng Thị Hoài – Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đak Đoa cho biết; “Với góc độ trung tâm, chúng tôi tiếp tục các hoạt động khôi phục văn hóa truyền thống qua các lễ hội, sẽ tiếp tục tham mưu tổ chức các hoạt động này, gắn với đó tham mưu phát triển các làng nghề truyền thống, để phát triển du dịch khái thác được tiềm năng của địa phương”.

Không chỉ đến với những làng nghề, những lễ hội đậm đà bản sắc văn hóa mang nét đặc trưng riêng biệt, đến với Đak Đoa, du khách cũng có thể tìm về kí ức cách mạng tại Khu lưu niệm Anh hùng Wừu, trải nghiệm thiên nhiên kì vĩ với thác đôi, ruộng bậc thang xã Trang và xã Hnol cùng  những điểm du lịch sinh thái đang được hình thành, đầu tư. Giai đoạn 2021- 2025, huyện Đak Đoa có 12 dự án được phê duyệt kêu gọi đầu tư, trong đó có 3 dự án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Cùng với đó, các dự án Nhà máy điện gió, Dự án nông nghiệp công nghệ cao…đã hình thành là các điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài tỉnh. Cấp ủy, chính quyền huyện Đak Đoa đã và đang xúc tiến quảng bá, tạo cơ chế thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư mạnh dạn cùng với địa phương quan tâm phát triển hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch hoàn chỉnh để phục vụ du khách.

Ông Nguyễn Hữu Thọ – TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đak Đoa cho biết: “Hướng tới của chúng tôi là gắn phát triển kinh tế với du lịch, chúng tôi đã có đề án nông nghiệp, xây dựng kế hoạch để gắn với du lịch sinh thái. Cái khó nhất vẫn là nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, hoàn thiện những sản phẩm du lịch, kết nối các tuyến du lịch để giữ chân du khách. Chúng tôi đang đẩy mạnh quảng bá để thu hút doanh nghiệp, công khai đến với Đak Đoa”.

Với sắc màu văn hóa vô cùng phong phú, đặc sắc, khi được quan tâm gìn giữ, bảo tồn đúng mức chắc chắn những giá trị, di sản văn hóa truyền thống ấy sẽ trở thành những sản phẩm du lịch thu hút du khách. Và khi việc bảo tồn cũng tạo ra sinh kế thì người dân sẽ có thêm động lực lan tỏa những giá trị văn hóa, phát huy được tiềm năng của địa phương khi gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa. Góp phần gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống trong vùng đồng bào DTTS và phát triển du lịch Đak Đoa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như mục tiêu Nghị quyết 08 năm 2017 của Bộ Chính trị đã đề ra. /.

Nhóm PV


Lượt xem: 12

Trả lời