Đak Đoa nhân rộng mô hình Nông hội tạo sự gắn kết trong sản xuất

Cập nhật 06/7/2021, 10:07:34

Mô hình Nông hội hiện đang được nhân rộng ở một số địa phương trong tỉnh, qua đó hình thành được các tổ, nhóm tạo sự gắn kết giữa nông dân cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất và trao đổi thông tin về thị trường đầu ra cho sản phẩm. Đây được xem là hướng đi mở ra nhiều triển vọng trong sản xuất nông nghiệp. Phóng sự được thực hiện tại huyện Đak Đoa.

Hai năm nay, 10 hộ tham gia mô hình Nông hội nuôi thỏ ở xã Nam Yang, huyện Đak Đoa không chỉ dừng lại ở việc mở rộng quy mô chăn nuôi và cung cấp thỏ ra thị trường mà hiện tại các thành viên của Nông hội đang hướng đến việc triển khai mô hình khép kín từ khâu sản xuất đến chế biến, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng qua các kênh bán hàng, hệ thống siêu thị, nhà hàng.

Anh Trương Công Quân – Chủ nhiệm Nông hội chăn nuôi thỏ xã Nam Yang, Đak Đoa chia sẻ: “Thuận lợi là ở chỗ mình trao đổi được nhiều kinh nghiệm cùng nhau ngồi lại tìm nhiều phương pháp để chăn nuôi, phát triển đi có chiều sâu hơn. Nông hội có nhiều sản phẩm đã bán mặt hàng thỏ giống, thỏ thịt hơi. Hiện giờ nông hội đang có sản phẩm chế biến rồi như khô thỏ, thỏ hun khói”.

Tại huyện Đak Đoa, mô hình nông hội được đánh giá phát triển hiệu quả  là mô hình chăn nuôi thỏ, nuôi dê. Trước nhu cầu đầu tư phát triển chăn nuôi của người dân trên địa bàn xã Nam Yang, địa phương cũng đang chuẩn bị thành lập nông hội nuôi dê, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi bền vững.

Anh Nguyễn Đình Dần – Thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa bày tỏ: “Mình cũng đang muốn mở rộng mô hình ra để phát triển thêm cho có lợi cho người nông dân. Nếu mà sắp tới thành lập nông hội nuôi dê tôi cũng tham gia để học hỏi thêm để nắm chắc mô hình nuôi dê phát triển, bền vững hơn. Từ khi nuôi dê nhiều anh em tới hỏi thăm tôi cũng chia sẻ cho rất nhiều người”.

Ông A Lưng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân Huyện Đak Đoa cho biết: “Hiện trên địa bàn huyện Đak Đoa đã thành lập được 10 mô hình nông hội tại 10 xã. Đặc biệt các mô hình thành lập từ tổ hội nông dân nghề nghiệp phát triển lên thành mô hình nông hội để  liên kết các hội nông dân theo phát triển chuỗi giá trị trong lao động sản xuất. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tuyên truyền vận động các mô hình này sẽ liên kết các xã, không phải 1 xã 1 sản phẩm mà là 2 – 3 xã sẽ liên kết với nhau để có đầu ra cho ổn định”.

Từ thực tế sản xuất của người nông dân còn manh mún, nhỏ lẻ, việc thành lập mô hình Nông hội được xem là một trong những hướng đi giúp người nông dân thay đổi tư duy sản xuất; hình thành được các mối liên kết chặt chẽ để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm làm ra./.

Lê Thư – Kim Châu-  Huy Toàn


Lượt xem: 99

Trả lời