Đăk Đoa hỗ trợ người dân phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững

Cập nhật 27/9/2019, 14:09:42

Những năm gần đây, cùng với nhiều địa phương khác trong tỉnh, nông dân huyện Đăk Đoa đã chú trọng phát triển một số loại cây ăn quả và bước đầu đã đem lại thu nhập ổn định. Để giúp người nông dân phát triển cây ăn quả một cách bền vững, hiện nay, huyện Đăk Đoa đang triển khai một số mô hình để định hướng người dân sản xuất theo chuỗi liên kết nhằm tạo đầu ra ổn định cho nông sản.

5 sào cây cam, quýt và bưởi của gia đình ông Phạm Văn Cang được trồng từ giữa năm 2017 theo dự án hỗ trợ phát triển cây ăn quả của huyện Đăk Đoa đã bắt đầu cho thu bói. Theo nhận xét của ông Cang thì các loại cây có múi rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở đây.

Ông Phạm Văn Cang, Thôn Kốp, xã Kon Gang, huyện Đăk Đoa, Gia Lai cho biết: “Tính từ ngày trồng nay là năm thứ 3 thì tôi cũng đã để một số cây có quả để thử nghiệm chứ hiện nay chưa lấy đại trà. Theo tôi nghĩ thì trồng cây có múi ở vùng đất này là đạt và có hiệu quả hơn trồng cây cà phê”.

Nhà vườn Năm Đô với các loại cây như: cam, quýt, bưởi canh tác theo hướng chuỗi thực phẩm sạch, được Sở NN&PTNT tỉnh cấp giấy chứng nhận và đã được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Đô thì đầu ra cho các loại cây ăn quả của gia đình chưa thật sự bền vững vì người tiêu dùng không phân biệt được sản phẩm sạch và không đảm bảo an toàn. Do đó, hiện nay, dưới sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp huyện ông đang liên kết với một số hộ dân hình thành tổ hợp tác mở rộng diện tích canh tác để tiến tới thành lập hợp tác xã, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làm ra.

Ông Nguyễn Duy Đô, Thôn Kốp, xã Kon Gang, huyện Đăk Đoa, Gia Lai cũng cho biết: “Tổng diện tích của thành viên trong tổ hợp tác là 7 ha và năm nay nhờ sự hỗ trợ của Phòng NN&PTNT huyện đầu tư thêm 4 ha nữa thì trong thời gian tới chúng tôi mở rộng diện tích trên, dưới 20 ha; khi có sản phẩm ra thì sẽ xây dựng hợp tác xã nông nghiệp và sẽ sản xuất tuân thủ theo hướng Vietgap để đảm bảo cho trái cây sạch và để lấy lại niềm tin người tiêu dùng bởi vì khi mình làm tốt và người tiêu dùng đặt niềm tin thì việc trồng cây có múi rất hiệu quả”.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Đăk Đoa hiện có khoảng 230 ha cây ăn quả các loại. Trước hiệu quả mang lại, địa phương đã triển khai một số mô hình cây ăn quả để giúp người nông dân canh tác theo hướng bền vững nhằm tạo đầu ra ổn định và đáp ứng với nhu cầu của thị trường.

Bà Huỳnh Thị Ánh Vy, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đăk Đoa, Gia Lai cho biết: “: Chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch đưa những loại giống cây trồng mới trên địa bàn để xây dựng các mô hình hỗ trợ người dân về giống, vật tư và khâu kỹ thuật. Và để phát triển bền vững thì khâu quan trọng nhất là khâu chọn giống thì hướng dẫn người dân chọn giống đảm bảo tiêu chuẩn và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng địa bàn; và hỗ trợ về kỹ thuật, hướng dân nhân dân canh tác trên vùng đất một cách hợp lý nhất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vừa đảm bảo cho cây trồng phát triển, đảm bảo sức khỏe và nâng cao hiệu quả, chất lượng để đưa sản phẩm ra thị trường”.

Cùng với triển khai các mô hình giúp người nông dân phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững thì huyện Đăk Đoa cũng khuyến cáo người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích, phá vỡ quy hoạch cây trồng trên địa bàn; và cũng để tránh tình trạng cung vượt quá cầu vì hiện nay rất nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang chú trọng phát triển cây ăn quả./.

Đức Hải, Huy Toàn

                                                                                                              


Lượt xem: 45

Trả lời