Đak Đoa chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Cập nhật 01/12/2023, 20:12:36

Từ năm 2022 đến nay, huyện Đak Đoa đã triển khai hiệu quả Tiểu dự án 3, Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó, đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang được địa phương chú trọng thực hiện.

Dù đã học hết lớp 11, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị Kai, ở thôn Bối, xã Glar, huyện Đak Đoa đành gác lại ước mơ đèn sách của mình. Tuy nhiên với chị, nếu không tiếp tục học kiến thức thì học nghề cũng là một lựa chọn phù hợp. Trong lúc đang phân vân không biết học nghề gì và học ở đâu, thì chị biết tin có một lớp dạy nghề cắt may sẽ được Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Đak Đoa phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện mở ngay tại địa phương để dạy nghề cho bà con trong thôn và các làng lân cận. Vậy là chị đăng ký theo học cùng với 29 chị em khác.

Chị Kai – Thôn Bối, xã Glar, huyện Đak Đoa chia sẻ “May là cái nghề em cũng rất là thích, với lại cũng học miễn phí nữa  nên cũng tạo điều kiện cho bà con ở trong thôn, trong làng đi học//. Bản thân em sau khi đi học xong thì sẽ sắm cho mình một cái máy may ở nhà để tập may. Nếu mà may được nữa thì sẽ tiếp tục đi học thêm ở ngoài để sau kiếm thêm thu nhập cho bản thân, gia đình”.

Chị Ga In – Làng Tuơh Klah, xã Glar, huyện Đak Đoa nói “Trước kia em làm nông làm cà phê hơi vất vả, giờ mở được lớp học nghề may em rất vui. May được rồi thì sau này em xin vào công ty em làm”.

Còn đây là lớp dạy nghề Nuôi và Phòng bệnh cho lợn thứ 2 được mở tại xã Ia Băng, huyện Đak Đoa. Đồng thời là lớp dạy nghề thứ 3 từ năm 2022 đến nay cho lao động người dân tộc thiểu số, được xã Ia Băng đề nghị Phòng LĐ – TB & XH huyện Đak Đoa phối hợp với các đơn vị chức năng trong huyện mở tại địa phương, nhằm trang bị cho bà con những kiến thức, kĩ năng cơ bản nhất trên lĩnh vực được đào tạo.

Thầy Nguyễn Văn Huân, GV lớp dạy nghề – Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Đoa cho biết “Trong quá trình dạy học thì các bạn học viên cũng đã tiếp thu được một số kiến thức nhất định để về áp dụng trong chăn nuôi tại gia đình và hỗ trợ được cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn thôn, xã về quy trình chăn nuôi, quy trình nắm bắt tình hình dịch bệnh, tiêm phòng vắccine và bảo vệ môi trường”.

Theo thống kê, từ năm 2022 và đến nay, từ nguồn vốn sự nghiệp được hỗ trợ, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Đak Đoa phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện đã tổ chức đào tạo được 16 lớp nghề với gần 500 học viên tham gia. Trong đó, có 08 lớp nghề phi nông nghiệp với gần 250 học viên tham gia, 05 lớp dạy nghề nông nghiệp với 160 học viên tham gia và 03 lớp trồng và chăm sóc rừng cho 90 học viên là người dân tộc thiểu số tại xã đặc biệt khó khăn Hà Đông.

Bà Nguyễn Thị Thuý Nga – Trưởng phòng LĐ – TB & XH huyện Đak Đoa cho biết “Việc đào tạo nghề thì chúng tôi xác định gắn với tình hình thực tiễn tại địa phương. Đối với huyện Đak Đoa thì chủ yếu phát triển về lĩnh vực nông nghiệp cho nên trong thời gian qua thì huyện đã tập trung đào tạo những ngành nghề phù hợp với nhu cầu cũng như định hướng phát triển của địa phương.Trong thời gian tới thì là phát triển nông nghiệp cũng như một số nghề ứng dụng công nghệ cao.”

Ông Trần Văn Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Băng, huyện Đak Đoa trao đổi “Sau khi đào tạo thì chúng tôi phối hợp với các công ty, các doanh nghiệp, hiện nay trên địa bàn thì có 8 công ty, doanh nghiệp để giới thiệu những lao động này sau khi đào tạo thì vào các công ty, doanh nghiệp, đặc biệt là hợp tác xã dịch vụ để lao động có việc làm ổn định.”

Nhờ triển khai hiệu quả các chính sách giáo dục nghề nghiệp cho người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề của huyện Đak Đoa đạt 97,2%, đã có 66 ngàn lao động có việc làm, chiếm 92% tổng số người trong độ tuổi lao động. Riêng trong 2 năm qua, toàn huyện đã có gần 7 ngàn lao động được tạo việc làm mới. Đây là yếu tố góp phần quan trọng vào thực hiện công tác xoá đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Đak Đoa./.

 

Quốc Linh – Minh Trung


Lượt xem: 18

Trả lời