Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai) tham gia ý kiến tại buổi thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

Cập nhật 27/5/2020, 18:05:31

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV, ngày 27/5, Quốc hội thảo luận về Kết quả báo cáo giám sát của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”.

Tham dự kỳ họp, tại điểm cầu Gia Lai có đồng chí  Hồ Văn Niên, Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các thành viên của đoàn. Đại diện đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, đại biểu Ksor H’Bơ Khăp đã tham gia một số ý kiến liên quan đến vấn đề nhận diện các hành vi xâm hại tình dục trẻ em và biện pháp phòng ngừa.

Trước khi thảo luận, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Theo nội dung báo cáo, trong những năm qua, cùng với sự quan tâm của các ngành, các cấp, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có chuyển biến tích cực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em. Đến nay, tất cả trẻ em dưới 06 tuổi được Nhà nước cấp bảo hiểm y tế miễn phí; gần 100% trẻ em dưới 01 tuổi được tiêm chủng mở rộng; gần 100% trẻ em 5 tuổi được đi học mẫu giáo; Nhà nước không thu học phí đối với học sinh học tiểu học tại các trường công lập; khoảng 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng chính sách trợ giúp xã hội…Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, tình hình trẻ em còn nhiều vấn đề đáng quan tâm, số lượng trẻ em có nguy cơ bị xâm hại vẫn đang còn rất lớn, phương thức, thủ đoạn xâm hại trẻ em ngày càng tinh vi, phức tạp và khó lường.

Sau khi nghe báo cáo giám sát, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận, phân tích làm rõ thêm những kết quả đã đạt được trong công tác chăm sóc, bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em; chỉ rõ những tồn tại hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, qua đó đề xuất các biện pháp khắc phục để thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới. Đại diện đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai, đại biểu Ksor H’Bơ Khăp đã đưa ra những ý kiến khá xác thực là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị xâm hại. Đại biểu cho rằng, thực tế hiện nay những diễn biến liên quan đến loại tội phạm xâm hại trẻ em ngày càng phức tạp hơn với nhiều phương thức thủ đoạn mà pháp luật chưa nhận diện được.

Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cho biết: “Hiện nay các hành vi xâm hại tình dục trẻ em chưa được nhận diện đúng theo chuẩn của Unicep. Nghị quyết cần nhấn mạnh đến khía cạnh nhận diện về hành vi xâm hại trẻ em để định hướng bổ sung, hoàn thiện luật, thực thi luật và giáo dục nâng cao ý thức, kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em. Các hành vi như quay lén, nhìn lén, hoặc bắt trẻ nhìn vào bộ phận sinh dục với hình thức trực tiếp hoặc qua mạng. Hiện tượng khoe của quý ở nơi công cộng, trường học…khá nhiều nhưng gần như không bị xử lý theo chế tài của pháp luật, vì khó xử lý hoặc nếu xử lý cũng rất nhẹ. Các hành vi nói chuyện dâm ô hoặc dụ dỗ sex với trẻ em, không có quy định cụ thể nên hầu như không được xử lý. Nghị quyết cần định hướng việc phòng chống xâm hại trẻ em theo hướng phòng ngừa là chính, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại. Khi xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, các cơ quan, ban ngành, tổ chức xã hội, phụ huynh, nhà trường mới xoắn lên”.

Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp cho rằng việc phòng ngừa chống xâm hại tình dục trẻ em quan trọng nhất là giáo dục nhận diện đúng và trang bị cho trẻ những kỹ năng phòng chống, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến trẻ em sinh sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc giáo dục không được hình thức hoặc tránh né đề cập đến những chi tiết cụ thể. Việc xác định nhóm trẻ có nguy cơ bị xâm hại và trách nhiệm của các cấp, các ngành để phòng ngừa loại tội phạm xâm hại trẻ em, cũng được đại biểu Ksor H’Bơ Khăp đặc biệt nhấn mạnh. Đại biểu cho rằng, ngoài trách nhiệm của các cấp, các ngành thì phụ huynh cũng cần phải nhận thức đúng đắn và đầy đủ đâu là những hành vi xâm hại tình dục và nguyên nhân để có biện phòng ngừa, bảo vệ con em mình.

Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai nói:Thực tế các gia đình chúng ta ngay việc ngủ nghỉ nhà bốn người vẫn ngủ chung khi con trai, con gái đến tuổi dậy thì, hay cho con ngủ với ông bà để kết nối tình cảm…Chính chúng ta đã có sự thờ ơ vì nhận thức chưa đúng, chưa đủ, không theo kịp diễn biến của loại tội phạm này.

Hồng Uyên, Xuân Huy


Lượt xem: 629

Trả lời