Đặc sản gạo tám thơm Sơ Pai

Cập nhật 26/6/2018, 08:06:38

Từ những năm 1987, 1988, những hạt lúa tám thơm từ miền quê tỉnh Nam Định đã theo chân người nông dân đến Kbang lập nghiệp và bén duyên với mảnh đất Sơ Pai được bao bọc giữa núi rừng hùng vỹ. Có vị dẻo ngọt đậm đà, những hạt gạo trắng ngần nơi đây đã được người dân yêu mến đặt cho cái tên mới “ gạo tám thơm Sơ Pai”.

Hiện tại “gạo tám thơm Sơ Pai” không chỉ cung cấp tại địa phương mà hương vị thơm ngon ấy đã lan truyền, được người dân khắp nơi ưu chuộng. Sau đây mời quý vị và các cùng chúng tôi cùng tìm hiểu hạt gạo tám thơm phát triển trên vùng đất  Sơ Pai.

Chỉ vài sào lúa ban đầu, đến nay diện tích lúa tám thơm đã được người dân tại Sơ Pai phát triển lên tới hơn 160 ha. Tất cả các ruộng lúa đều nằm trọn dưới những thung lũng được bao bọc bởi núi rừng trùng điệp….

Đang bước vào vụ thu hoạch chính của năm nên những ngày này, anh Lê Anh Phương đều có mặt tại ruộng để đón nhận thành quả sau những tháng ngày chăm sóc. Anh cho biết: Là giống lúa đặc sản nhưng tám thơm Sơ Pai không khó trồng, năng suất lúa trung bình đạt từ 6-7 tấn/ha.

Tiếng thơm từ giống lúa Sơ Pai bay xa, đến nay, mỗi khi bước vào vụ thu hoạch, người dân thậm chí không cần phải vận chuyển về nhà mà có thương lái từ khắp nơi đến tận ruộng thu mua.

Anh Lê Anh Phương – Thôn 1, xã Sơ Pai, Kbang, Gia Lai nói: “Chất lượng thì lúa tám thơm này ăn thì sẽ thơm, đậm cơm ngon hơn giống hạt dài, vỏ thì mỏng”.

Anh Nguyễn Thế Cường – Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơ Pai, Kbang, Gia Lai cho biết: “Hội tuyên truyền vận động bà con sản xuất lúa theo hướng an toàn, sạch, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Cùng với đó áp dụng đúng quy trình chăm sóc để mà có giống tốt sản xuất cho vụ sau và nên nhân rộng diện tích các cánh đồng để xây dựng thương hiệu đảm bảo hơn”.

Dù phải cạnh tranh thu mua với các thương lái đến từ các vùng, song mỗi ngày, cơ sở thu mua, xay xát này cũng xuất bán từ 1 đến 2 tấn gạo tám thơm Sơ Pai. Theo chị Nguyễn Thị Long chủ cơ sở cho biết: Chính hương vị gạo tám Sơ Pai thơm ngon so với các loại gạo khác nên được người dân hết sức ưu chuộng.

Chị Nguyễn Thị Long – Thôn 2, xã Sơ Pai, Kbang, Gia Lai nói: “Chất lượng gạo tốt nên mình tiêu thụ cũng được nhiều, ăn thì cũng ngon đấy, từ đó các nơi điện thoại đặt mà mình gửi đi. Mình nhập cho người ta giá cũng vừa phải nên bán cũng chạy lắm”.

Trăn trở lớn nhất của chính quyền địa phương và nông dân Sơ Pai đó là đến thời điểm này vẫn chưa xây dựng được thương hiệu “Gạo tám thơm Sơ Pai” bởi giống lúa tám thơm đang ngày một thoái hóa do canh tác đã lâu năm. Trong khi việc tìm bộ giống chuẩn sở hữu các gen quý của giống lúa bây giờ gần như không thể có, dù rằng không ít người đã lặn lội về tận quê hương Nam Định để tìm kiếm…./.

Đoàn Bình, Minh Trung


Lượt xem: 242

Trả lời