Cuộc sống mới ở làng Lơ Bơ

Cập nhật 26/5/2021, 08:05:35

Năm 2008, hàng chục hộ dân tộc Dao thuộc các tỉnh Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh bắt đầu cuộc di cư vào Tây Nguyên để tìm vùng đất mới, thuận lợi hơn, có điều kiện sản xuất, canh tác tốt hơn. Sau nhiều lần thay đổi, cuối cùng họ đã chọn vùng đất gần dãy núi Chư Krey thuộc xã Chư Krey, huyện Kông Chro làm điểm dừng chân. Đến năm 2018, UBND tỉnh Gia Lai đã bố trí quỹ đất và xuất kinh phí 3,7 tỷ đồng xây dựng đường điện, san ủi mặt bằng, làm đường bê tông giao thông nông thôn, và hỗ trợ mỗi hộ 10 triệu đồng để di dời nhà gần rừng ra khu tái định cư, ở làng Lơ Bơ, xã Chư Krey, huyện Kông Chro. Về nơi ở mới với đầy đủ điều kiện sống đã mở ra một tương lai mới cho bà con dân tộc Dao trên vùng đất Kông Chro. Đây cũng chính là động lực quan trọng giúp dân làng vững tin phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trước đây, khi chưa chuyển về nơi ở mới, đời sống của 43 hộ dân người dân tộc Dao tại xã Chư Krey khá bấp bênh, con cái không được ăn học đường hoàng. Nay được về làng tái định cư, trẻ em trong độ tuổi đã được đến trường, 100% hộ sử dụng điện, nước sạch để sinh hoạt. Đặc biệt, con đường lầy lội lúc xưa nay đã được Nhà nước đầu tư làm đường bê tông nên việc vận chuyển nông sản đi tiêu thụ đã trở nên dễ dàng hơn. Là vùng sâu, vùng xa nhưng làng tái định cư này vẫn được Nhà nước bố trí 4 bể nước sạch để cộng đồng sinh hoạt chung.

Chị Triệu Thị Phương, Làng Lơ Bơ, xã Chư Krey, Kông Chro, Gia Lai cho biết: “Hồi xưa ở trong làng thì trường xa, con cái không được đi học. Đi học lúc trời mua không về được, không đi được, đến nhà quần áo cũng ướt hết. Được Nhà nước ưu tiên chuyển ra ngoài đây ở thì cũng cố gắng làm vì thuận tiện hơn.”

Sau 3 năm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới, đời sống của đồng bào dân tộc Dao ở đây đã có nhiều đổi thay tích cực. Làng có 4 dãy nhà, chia làm 2 khu vực dọc theo đường liên thôn, trong đó có nhiều nhà xây kiên cố. Đặc biệt, tại nơi ở mới này, bà con trong làng đã trồng mới được hơn 8 ha cây lương thực và trồng mới được khoảng 21 ha cây công nghiệp để phát triển kinh tế gia đình. Trong tổng số 43 hộ dân này, chỉ còn 5 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người khoảng 11,8 triệu đồng/năm. Có đủ điều kiện để phát triển kinh tế như đường sá thuận lợi, có điện, có nước sạch…nhu cầu hưởng thụ của bà con cũng dần được tăng lên.

Anh Triệu Văn Tuấn – Làng Lơ Bơ, xã Chư Krey, Kông Chro, Gia Lai nói: “Ở đây có điện đóm đàng hoàng, tiện lợi hơn so với ở trong kia. Trong làng cũ thì rất vất vả. Ở làng mới nói chung là rất vui, bởi vì anh em ở đây gần nhau, mời nhau đi lại nó cũng dễ, đường sá tiện lợi”.

Một điều đáng chú ý là tại khu tái định cư này, đồng bào dân tộc Dao sống và sinh hoạt chung với đồng bào Bahnar bản địa, với 109 hộ, hơn 500 nhân khẩu đã sinh sống lâu đời tại đây. Dù có nhiều nét văn hóa, tín ngưỡng khác nhau, nhưng cộng đồng dân tộc Dao và Bahnar luôn sống chan hòa, đoàn kết, yêu thương lẫn nhau. Từ ngày cả 2 dân tộc sống và sinh hoạt cùng nhau, tình hình an ninh trật tự ở làng vẫn luôn được đảm bảo. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã dành nhiều sự quan tâm về vật chất cùng như tinh thần nhằm giúp người dân trong làng sớm quen với cuộc sống mới.

Ông Khương Đình Huy – Chủ tịch UBND xã Chư Krey, Kông Chro, Gia Lai cho biết: “Trong thời gian tới thì cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa, đặc biệt là đối với các hộ dân di cư tự do và làm sao trong thời gian tới bà con người Dao sẽ ổn định cuộc sống và cùng với chính quyền địa phương hoàn thành các mục tiêu của địa phương”.

Theo thời gian, diện mạo của làng Lơ Bơ hôm nay đã tươi mới, người dân ở đây đã biết giao lưu buôn bán với các địa phương khác, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với người dân ở các khu tái định cư trên địa bàn tỉnh, cộng đồng người Dao ở đây như những cây đã và đang bén rễ, đâm chồi, nẩy lộc phát triển tốt tươi trên những vùng đất mới. Một tương lai tươi sáng thực sự đang đến với bà con làng Lơ Bơ./.

Quốc Linh, Viễn Khánh


Lượt xem: 100

Trả lời