Cuộc sống mới của người Mông ở Ya Hội  

Cập nhật 11/6/2019, 08:06:39

Trong cộng đồng các dân tộc anh em sinh sống tại xã Ya Hội, huyện Đăk Pơ, đồng bào dân tộc Mông chiếm hơn 24% dân số. Họ là những người đã di rời từ vùng núi cao Tây Bắc vào lập thành một cộng đồng người Mông. Sau hơn 40 năm chuyển đến định cư tại nơi ở mới, cuộc sống của người dân nơi đây đã dần ổn định, bức tranh kinh tế – xã hội tại vùng đồng bào dân tộc Mông tại Ya Hội đã có nhiều khởi sắc.

Giữa núi rừng Ya Hội, tiếng khèn Mông của ông Lý Văn Thắng cất lên ngân vang, trầm bổng. Dù đã xa quê 40 năm, nhưng đối với ông Thắng hay những người Mông nơi đây, tiếng khèn vẫn ăn sâu vào đời sống tinh thần, là tâm hồn, là bản sắc của dân tộc.

Ông Lý Văn Thắng – Xã Ya Hội, huyện Đăk Pơ cho biết: “Cái khèn này có 6 ngón, gồm 6 âm thanh tất cả. Khi cầm cây khèn lên thổi tự nhiên mình cảm thấy vui vẻ, vơi đi nỗi buồn. Phong tục mình không thể thiếu cái khèn, nó sử dụng trong tất cả các lễ hội, sinh hoạt hàng ngày của dân tộc Mông”.

Năm 1982, 11 gia đình người Mông đã di dời từ vùng núi cao Tây Bắc, vượt qua cả ngàn cây số xa xôi để đến an cư lập nghiệp trên vùng đất mới. Trải qua bao khó khăn, vất vả cho đến hôm nay, đã có tới 3 làng người Mông được thành lập với gần 760 nhân khẩu chung sống hòa thuận với các dân tộc anh em khác. Nhờ cần cù, chịu khó cùng tinh thần học hỏi những cách làm kinh tế mới, nên người Mông ở Ya Hội đã biết sản xuất hàng hóa, đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp, biết chọn những giống cây tốt để gieo trồng. Với cây trồng chủ yếu là mía, mì, bắp, đời sống người dân đã ngày càng cải thiện. Hiện nay, hơn 80% hộ đồng bào người Mông đã thoát nghèo, thu nhập bình quân hơn 21 triệu đồng/người/ năm.

Ông La Văn Páo – Làng Ghép, xã Ya Hội,, huyện Đăk Pơ phấn khởi nói: “Chúng tôi ở đây thì cuộc sống thay đổi rất nhiều. Điều kiện phát triển kinh tế tốt hơn. Cơ sở hạ tầng thuận lợi hơn cả về đường xá, nhà cửa. Có điều kiện cho con cháu học hành. Bên cạnh đó phát triển được phương tiện giao dịch, tốt hơn ở quê”.

Kinh tế phát triển, nhưng đáng mừng hơn cả là dù cuộc sống đã thay đổi nhưng nhiều giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào Mông nơi đây vẫn được lưu giữ và phát huy. Giữ gìn văn hoá truyền thống cũng đồng nghĩa với loại bỏ đi những phong tục lạc hậu, tiếp thu cái hay, cái mới từ bên ngoài để từ đó xây dựng cuộc sống văn minh hơn phù hợp với nếp sống mới.

Chị La Thị Phương – Xã Ya Hội, huyện Đăk Pơ cho biết: “Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thì trang phục mình luôn giữ gìn, nhà cửa cũng giữ theo người mông là có 3 gian, tuyên truyền cho con cháu là không từ bỏ ngôn ngữ của mình. Mình mong muốn góp sức nhỏ bé của mình để xây dựng làng, xã ngày càng phát triển hơn”.

Dù đời sống của người Mông tại Ya Hội vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với việc giữ gìn và phát huy những nét văn hoá truyền thống của dân tộc mình, cộng đồng người Mông sẽ góp phần tô thắm vườn hoa nhiều sắc màu các dân tộc nơi đây. Họ đã thực sự gắn bó với nơi ở mới, tham gia thi đua lao động sản xuất để ngày càng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn.

Nhâm Dung,  Minh Trung

 


Lượt xem: 155

Trả lời