Cử tri tỉnh Gia Lai quan tâm, theo dõi phần chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Bộ trưởng Bộ Công an

Cập nhật 14/8/2018, 08:08:34

Qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều cử tri tỉnh Gia Lai đồng thuận cao với nội dung trong phần chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm diễn ra ngày 13/8 trong khuôn khổ Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Với  nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, việc triển khai công tác dân tộc ở nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Các chính sách về công tác dân tộc, nhất là đối với dân tộc thiểu số đã bao phủ các lĩnh vực như: Xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, nước sạch, lao động, việc làm… tạo điểm tựa vững chắc để đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, miền; tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc và giảm thiểu những vấn đề nhạy cảm trong vùng dân tộc thiểu số. Đối với Gia Lai là tỉnh miền núi có 34 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 44% nên cũng được thụ hưởng nhiều chính sách của Trung ương đầu tư liên quan đến phát triển kinh tế- xã hội ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Nhiều buôn, làng ở Gia Lai đã được sắp xếp lại dân cư, bố trí định canh định cư, phát triển bền vững, không còn tình trạng du canh du cư, đói nghèo, lạc hậu như trước đây nữa. Trong những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo ở tỉnh giảm 3%/năm.

 Anh Đinh Văn Nhứt – Làng Brang, xã Đăk Pling, huyện Kông Chro, Gia Lai nói: “Trước đây bà con ở làng cũ, đất đai thường bị sạt lở do lũ quét nên rất bất an vì ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng. Giờ được tỉnh, huyện hỗ trợ di dời đến sinh sống ở vị trí mới để làm ăn, sinh sống thuận lợi hơn nên bà con rất phấn khởi”.

Ông Kpă Đô – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai cho biết: “Một trong những điểm nhấn trong việc triển khai các chính sách dân tộc ở tỉnh Gia Lai đó là triển khai hiệu quả Chương trình 135 từ năm 2009 đến nay với hai hợp phần chính là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sinh kế và giống cây trồng, vật nuôi cho đồng bào dân tộc thiểu số. Trong thời gian tới tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực để triển khai công tác dân tộc nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở tỉnh”.

Nhiều kiến nghị ở Gia Lai cũng đề nghị cần tăng cường nguồn lực để triển khai các chính sách liên quan đến hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, tránh dàn trải, manh mún trong việc triển khai các chính sách dân tộc và cần tích hợp các chính sách để phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

Đồng thuận cao với nội dung phần các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, nhiều cử tri tỉnh Gia Lai đã kiến nghị các ngành hữu quan cần tăng cường triển khai các biện pháp quyết liệt hơn nữa trong đấu tranh phòng chống các loại tội phạm đang diễn biến phức tạp để góp phần giữ vững sự bình yên cho nhân dân, nhất là các loại tội phạm mới với những âm mưu, thủ đoạn tinh vi, manh động như tội phạm công nghệ cao, tín dụng đen…

Ông Nguyễn Hữu Dũng – Phường Diên Hồng, TP. Pleiku, Gia Lai nói: “Tội phạm luôn là mối lo thường trực của nhân dân, bởi vậy các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần có biện pháp đấu tranh quyết liệt để triệt phá, ngăn chặn, không để tội phạm hoành hành để người dân yên tâm”.

Trung tá Siu Kiên – Phó Trưởng Công an huyện Chư Prông, Gia Lai cũng nói: “Để ngăn chặn tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng trong việc tuyên truyền, giáo dục, hạn chế những tệ nạn trong lứa tuổi thanh thiếu niên”.

Đại tá Phan Thanh Tám – Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai cho biết: “Tín dụng đen bùng phát ở nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai nhưng việc ngăn chặn gặp rất nhiều khó khăn. Đề nghị cần có cơ chế pháp lý, chế tài cụ thể, kịp thời, đủ sức răn đe để có cơ sở xử lý triệt để tín dụng đen”./.

Hà Đc, R’Piên


Lượt xem: 33

Trả lời