Cồng chiêng Tây Nguyên âm vang giữa lòng Thành phố

Cập nhật 08/7/2023, 06:07:38

Nằm giữa lòng Tây Nguyên hùng vĩ, thành phố Pleiku với một nội lực sống manh mẽ, vững bền bởi sự vun đắp của các trầm tích văn hóa, sự cố gắng dựng xây bao đời nay đang được nối dài từ các thế hệ, nơi hội tụ đa sắc màu văn hóa tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong đó nghệ thuật cồng chiêng được bảo tồn, duy trì và phát triển, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.

Hàng ngày, vào các buổi tối tại nhà nghệ nhân Siu Thưm- Làng Roh, phường Yên Đỗ nhộn nhịp bởi những tiếng cồng, tiếng chiêng của hơn 40 thành viên nhí đang miệt mài tập luyện để chuẩn bị cho ngày Hội quảng bá và kết nối du lịch các thành phố ở Tây Nguyên với thành phố Tuy Hoà được tổ chức trung tuần tháng 7 tại thành phố Tuy Hoà – Tỉnh Phú Yên. Là đội cồng chiêng trẻ, vinh dự đại diện cho TP Pleiku tham gia trình diễn tại ngày hội, các thành viên trong đội đều rất tự hào, hăng say tập luyện.

Nghệ nhân Siu Thưm – Làng Pleiku Roh, phường Yên Đỗ, TP.Pleiku vui vẻ nói: “Trong lễ hội như thế này, nói chung thì anh em nghệ nhân rất vui hào hứng vì anh em nghệ nhân mong muốn duy trì bản sắc văn hoá truyền thống của người Jơrai, Bana mình cho mọi người biết về cồng chiêng, mà nhiều giai điệu khác nhau để mọi người thưởng thức vì phục vụ cho khách những giai điệu chậm hoặc nhanh.”

Em Rơchăm Hải – Làng Roh, phường Yên Đỗ, TP.Pleiku chia sẻ: “Em cũng thường xuyên đi biễu diễn trên thành phố và nhiều tỉnh khác, em rất vui và em rất thích được đi biểu diễn về cồng chiêng, vì cồng chiêng giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc cho làng chúng tôi”.

Không chỉ là nhựa sống văn hóa của cộng đồng câc dân tộc ở thành phố Pleiku, tiếng cồng chiêng còn vang vọng nhiều vùng miền, chinh phục du khách trong và ngoài nước. Những chàng trai, cô gái Banah, Jơrai vốn mộc mạc, chân chất trong trang phục truyền thống của dân tộc mình đã làm đắm say lòng du khách trong vũ điệu nhịp nhàng của những vòng xoang bất tận. Vượt lên giá trị đơn thuần của một loại nhạc cụ, cồng chiêng trở thành linh hồn của cộng đồng các dân tộc Tây nguyên. Tiếng cồng chiêng theo suốt cuộc đời người dân Tây nguyên từ lúc mới sinh ra trong lễ thổi tai đến khi trưởng thành trong lễ cưới. Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ.

Anh Rơcom Mơ Ai – Thị xã Ayun Pa bày tỏ: “Tôi thấy phong tục như phục dựng lại lễ cưới xin của người dân tộc Rơrai tại thành phố Pleiku, và đây là nét văn hoá rất đặc sắc để bảo tồn và giữ gìn và tôi mong rằng sau này sẽ tiếp tục được phát huy không chỉ phục dựng không và trực tiếp trong cuộc sống của người dân tộc. Thông qua phục dựng này, lớp trẻ sẽ biết đến phong tục văn hoá của người Jơrai mình.”

Những giá trị bất biến của không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”, bà con Jrai ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Pleiku luôn quý trọng và gìn giữ. Song hành với đó, những năm qua, thành phố luôn quan tâm đầu tư, giữ gìn, bảo tồn và phát huy các thiết chế văn hóa, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Hàng năm, thành phố tổ chức các hội thi văn nghệ quần chúng và hội thi văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số, liên hoan cồng chiêng và hát dân ca, mở lớp dạy đánh cồng chiêng cho thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số. Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 23 đội văn nghệ, 25 đội cồng chiêng, 157 bộ cồng chiêng với khoảng trên 500 nghệ nhân cồng chiêng, múa xoang.

Ông Nguyễn Xuân Hà – Trưởng Phòng VHTT- TT TP.Pleiku trao đổi: “Để giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, trong  thời gian tới, để phát triển du lịch trên địa bàn thành phố Pleiku chúng tôi đã tham mưu cho UBND thành phố mở các lớp cồng chiêng dạy cho  các em học sinh thiếu niên tập đánh các bài cồng chiêng để tham gia các cuộc thi, hội diễn. Ngoài ra ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số có các nghệ nhân đã dạy cho các em thanh niên thiếu niên tập các bài cồng chiêng.Hằng năm thì thành phố cũng tổ chức hội thi liên hoan văn hóa cồng chiêng thanh thiếu niên. Đây là một sân chơi bổ ích để giúp các em học sinh, thanh thiếu niên ở  các làng đồng bào dân tộc tham gia biểu diễn cồng chiêng và yêu thích cồng chiêng của dân tộc mình.”

Không gian văn hóa cồng chiêng là di sản vô giá, là niềm tự hào gắn liền với đời sống từ bao đời nay của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, người Jơrai, Banah trên địa bàn thành phố nói riêng. Hòa cùng nhịp chảy chung của sự phát triển hiện đại, thành phố Pleiku vẫn luôn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có nghệ thuật cồng chiêng. Qua đó, góp phần đưa tiếng cồng, tiếng chiêng vang mãi giữa Tây Nguyên đại ngàn, chung tay cùng người dân góp sức xây dựng một thành phố ấm no, hạnh phúc và đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc./.

CTV Thanh Truyền – Bá Bính      


Lượt xem: 93

Trả lời