Cồng chiêng cuối tuần – Thưởng thức và trải nghiệm

Cập nhật 06/11/2023, 10:11:51

Giữa lòng phố Núi Pleiku vào tối thứ 7 hàng tuần, những thanh âm cồng chiêng trầm hùng, mang hơi thở của đại ngàn lại vang vọng. Đó là chương trình “Cồng chiêng cuối tuần- Thưởng thức và trải nghiệm” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức gần 2 năm nay nhằm tạo điều kiện để các nghệ nhân thể hiện nét đẹp văn hóa của dân tộc mình; đồng thời giới thiệu, quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Gia Lai đến với du khách trong và ngoài tỉnh.

Đây là lần đầu tiên đoàn nghệ nhân của huyện Ia Pa biểu diễn tại chương trình “Cồng chiêng cuối tuần – Thưởng thức và trải nghiệm”. Được biểu diễn ở không gian phố phường với đông đảo người xem, mỗi nghệ nhân đều cảm thấy hồi hộp, háo hức nhưng cũng rất tự hào về văn hóa dân tộc mình.

Nghê nhân xã Ia Broăi, huyện Ia Pa chia sẻ: “Mọi khi chúng tôi chỉ trình diễn trong các ngày hội, ngày  lễ ở làng, nhưng hôm được biểu diễn ở đây, chúng tôi vui lắm.”

Ông Nguyễn Thái Sơn – Giám đốc Trung tâm Văn hóa -Thông tin và Thể thao huyện Ia Pa nói: “Mong muốn cống hiến những tiết mục đặc sắc của văn hóa cồng chiêng người buôn Rối, xã Ia Broăi đến với bà con thưởng thức. Mong bà con động viên tinh thần, nhiều người đến xem.”

“Cồng chiêng cuối tuần” được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai triển khai từ năm 2022, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku. Đây là hoạt động luân phiên giữa các đoàn nghệ nhân Bahnar và Jrai của các huyện  trên địa bàn tỉnh Gia Lai, diễn ra vào mỗi tối thứ 7 hàng tuần trong khung giờ từ 19h đến 21h. Mỗi đêm diễn sẽ có khoảng 40 nghệ nhân tham gia diễn tấu cồng chiêng kết hợp múa xoang, hát dân ca, trình diễn nhạc cụ làm từ tre nứa, phục dựng trích đoạn các nghi lễ truyền thống. Ngoài ra, du khách có thể giao lưu chụp ảnh cùng các nghệ nhân, tham gia trải nghiệm múa xoang, đánh chiêng, cùng thưởng thức rượu ghè và các món ăn do các đoàn nghệ nhân chuẩn bị.

Bà Rah Lan H’Heng – Phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa nói: “Lễ hội rất vui, rất đẹp.”

Chị Nguyễn Thị Tuyết Trinh – Phường Hội Thương, TP. Pleiku vui vẻ bày tỏ: “Tôi rất yêu mến các bạn ở đây. Cũng chụp hình chung giao lưu, thấy các em rất dễ thương. Tôi rất thích những hoạt động như thế này. Để cho mình gần hơn, hiểu hơn về văn hóa của Gia Lai.”

Chương trình Cồng chiêng cuối tuần – Thưởng thức và trải nghiệm cũng là hoạt động thực hiện Chương trình hành động quốc gia đã cam kết với UNESCO về bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị di sản văn hóa phi vật thể không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa phương, đồng thời giới thiệu, quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Gia Lai đến với du khách trong và ngoài nước.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ – Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết: “Chúng tôi muốn mang 1 phần bản sắc, văn hóa người Tây Nguyên, của người Jrai, Bahnar lên với thành phố lên với đô thị để giới thiệu với mọi người. Việc mang văn hóa người Jrai, Bahnar lên đây để du khách dễ dàng tiếp cận hơn và đây cũng là một cách lan tỏa văn hóa.”

Qua các đêm diễn, chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các nghệ nhân và thu hút hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến thưởng thức và trải nghiệm. Từ đây, cồng chiêng đã không còn bó hẹp nơi núi rừng mà đã lan tỏa đến phố phường, mang đến cái nhìn khác lạ và đầy cảm xúc trong lòng du khách và người dân.

Nhâm Dung – R’Piên


Lượt xem: 13

Trả lời