Chuyện những cán bộ Đoàn khởi nghiệp ở Chư Pah

Cập nhật 05/7/2019, 08:07:43

Xuất phát từ thực tế cũng như quan điểm muốn thu hút, tập hợp được đoàn viên, thanh niên hay phát động phong trào khởi nghiệp có hiệu quả thì trước hết mỗi cán bộ Đoàn phải là một điển hình về phát triển kinh tế, thời gian qua, nhiều cán bộ Đoàn ở huyện Chư Pah đã xây dựng được các mô hình kinh tế gia đình hiệu quả. Hành trình khởi nghiệp và thành quả của họ đã góp phần thiết thực trong việc tiếp thêm niềm tin và kinh nghiệm cho nhiều bạn trẻ ở địa phương trong quá trình phát triển kinh tế.

Trước khi trở thành một triệu phú trẻ bằng nghề nông, anh Nguyễn Sỹ Thượng – Phó Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Ia Ly, huyện Chư Pah đã từng có khoảng thời gian tìm kiếm cơ hội việc làm ở thành phố Hồ Chí Minh sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. Trở về quê với quyết tâm khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp, anh Thượng đã tìm tòi, áp dụng KHKT để cải tạo và nâng cao năng suất 2 hecta cà phê, hồ tiêu của gia đình. Nhờ đó, vườn cà phê và hồ tiêu của anh Thượng luôn cao nhất vùng. Có thu hoạch, anh đã tích lũy và mạnh dạn vay ngân hàng để mua thêm 1,2 ha cà phê. Hiện nay Thượng có 3,5ha cà phê kinh doanh và 600 trụ tiêu, mỗi năm Thượng thu nhập gần 1 tỷ đồng.

Anh Thượng chia sẻ: “Hiện nay ngoài việc làm tốt nhiệm vụ chuyên môn của một cán bộ Đoàn, về nhà Tôi dành thời gian chăm sóc vườn nhà, trong thời gian tới tôi sẽ tích lũy vốn để mở rộng sản xuất và trồng thêm các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng để nâng cao thu nhập”.

Cũng tốt nghiệp đại học ở thành phố Hồ Chí Minh và bôn ba tìm việc khắp nơi, Đặng Đình Tấn cũng đã trở về quê khởi nghiệp với nghề trồng nấm. Bắt đầu mở trại làm nấm từ năm 2017 với vốn đầu tư hơn 100 triệu đồng, đến nay Tấn đã sở hữu trại nấm có quy mô từ 8.000 – 10.000 bì với nhiều loại như nấm sò, nấm linh chi. Chỉ riêng nấm sò, bình quân mỗi ngày Tấn thu thu từ 25 – 40 kg, giá khoảng 30.000kg. Cùng với đó, Tấn cũng thu được khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng từ việc sản xuất phôi giống nấm rồi bán. Kinh nghiệm và kết quả khởi nghiệp của thủ lĩnh thanh niên thị trấn Phú Hòa này đã tạo động lực để nhiều đoàn viên, thanh niên tại địa phương học tập.

Anh Đặng Đình Tấn, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Phú Hòa, Chư Pah cho biết: “Do trên địa bàn Chư Pah chưa phát triển nghề trồng nấm nhiều nên khi sản xuất mình gặp nhiều thuận lợi đầu ra, thu nhập tốt ổn định được đời sống của mình. Thời gian đến mình sẽ mở rộng diện tích sản xuất, liên kết với một số thanh niên trong vùng để sản xuất giúp họ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”.

Những cách làm hay, mô hình khởi nghiệp hiệu quả của đoàn viên, thanh niên, nhất là của những thủ lĩnh thanh niên trên địa bàn huyện đã trở thành nhân tố để tổ chức Đoàn nhân rộng và tiếp tục lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đến các bạn trẻ. Cùng với đó, các cấp bộ Đoàn tại địa phương cũng luôn đồng hành với phong trào khởi nghiệp bằng nhiều hành động cụ thể.

Anh Rơ Chăm Mruych – Bí thư huyện đoàn Chư Pah cũng cho biết: “Trong thời gian qua Ban thường vụ huyện đoàn đã có sự phối hợp với các ban ngành, các xã tạo điều kiện cho TN lập thân, lập nghiệp, đặc biệt là phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội huyện tạo nguồn vốn vay cho TN, phối hợp với phòng nông nghiệp, trung tâm khuyến nông tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT cho TN để TN phát triển kinh tế làm giàu cho bản thân, trong thời gian tới huyện đoàn sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tạo điều kiện cho TN khởi nghiệp”.

Khát vọng khởi nghiệp trong thanh niên hiện nay rất lớn, với vai trò là thủ lĩnh thanh niên nên các cán bộ đoàn trở thành hạt nhân trong việc đồng hành và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Với bản lĩnh và nhiệt huyết của mình, tin rằng các mô hình thủ lĩnh thanh niên khởi nghiệp sẽ tiếp tục lan tỏa góp phần cổ vũ tinh thần khởi nghiệp của đông đảo thanh niên, giúp họ tiếp cận và tranh thủ điều kiện tốt nhất từ Chương trình Thanh niên khởi nghiệp được phát động rộng rãi trong toàn quốc để vươn lên làm giàu chính đáng và khẳng định mình./.

Ngô Thanh, Đức Thành (CTV Tỉnh đoàn)

 


Lượt xem: 62

Trả lời