Chuyện giữ rừng ở Kon Chư Răng

Cập nhật 19/7/2016, 14:07:46

Không phải đến khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ra quyết định đóng cửa rừng tự nhiên, vấn đề quản lý bảo vệ tài nguyên rừng mới được quan tâm. Với Gia Lai, một trong những địa phương luôn là điểm nóng trong công tác giữ rừng, nhiệm vụ này chưa bao giờ được phép lơ là.

Câu chuyện của những kiểm lâm viên tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, huyện Kbang chúng tôi muốn gửi đến quý vị và các bạn  sau đây sẽ phần nào giúp chúng ta hiểu hơn về quyết tâm phải thực hiện đúng trọng trách của những người giữ rừng.

 

 

 

Hành trình 1 ngày đường…

Từ phương tiện xe máy…

Rồi đến băng rừng, lội suối đã khiến cho lần lượt từng thành viên trong ê – kíp phóng viên đuối sức. Thế nhưng theo nhẩm tính cũng chỉ mới di chuyển trên dưới 20km đường rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, xã Sơn Lang, huyện Kbang, Gia Lai. Ấy thế mà 16 cán bộ chuyên trách của khu bảo tồn này đảm nhận quản lý, bảo vệ diện tích hơn 15 ngàn ha rừng nguyên sinh, tương đương với mỗi người phải đảm trách khoảng 1 ngàn ha. Những chuyến đi rừng có khi kéo dài cả tuần đã trở thành lẽ thường. Không chỉ là vất vả mà còn có cả những hiểm nguy.

Ông Nguyễn Minh Sự, Phó GĐ Khu bảo tồn TN Kon Chư Răng, huyện Kbang cho biết:  Công việc của anh em chúng tôi yêu cầu rất cao và cũng nhiều vất vả. Có đợt phải đi tuần nhiều ngày liền, hoặc khi nghe tin báo có vụ khai thác trái phép là phải đi ngay. Gặp mưa, lũ cuốn, không qua suối được, nguy hiểm đến cả tính mạng.

Giáp ranh với 4 huyện của 3 tỉnh là Kon Tum, Bình Định và Quảng Ngãi, công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng còn gặp khó khăn vì giáp với nương rẫy của dân và đặc biệt là giáp với các đơn vị lâm trường được giao chỉ tiêu khai thác gỗ trước đây. 3 trạm kiểm lâm đã được tỉnh phê duyệt cho thành lập nhưng đến nay vẫn chưa thể tiến hành. Các chốt tạm được xây dựng để giải quyết tình hình cấp bách trước mắt. Nhưng cũng bởi do tạm nên thiếu thốn đủ bề.

Ông Đinh Văn Loa, kiểm lâm viên Khu BTTN Kon Chư Răng, Kbang nói: “Ở đây vất vả nhất là đường xá đi lại, rồi thiếu nước sinh hoạt. Nhất là khi mưa xuống thì nhà bạt ướt hết. Tuy nhiên anh em đã chọn nghề này là phải yêu nghề, quyết tâm giữ rừng”.

       Nhiệm vụ chỉ vỏn vẹn 2 chữ "giữ rừng" nhưng để làm hết trách nhiệm với công việc ấy là biết bao gian khó mà cán bộ nhân viên Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng đã phải trải qua để có được như ngày hôm nay. Độ che phủ rừng được xếp vào hàng bậc nhất của cả nước, lên đến 98,9% với thảm thực vật và động vật phong phú dưới tán rừng, đặc biệt nhiều loài có nguồn gen quý hiếm, đặc hữu đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Theo đó, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng không chỉ có giá trị tiềm năng về du lịch mà cả cho nghiên cứu khoa học. Thế nhưng để bảo tồn và phát huy những giá trị đó thì hiện đơn vị đang đứng trước rất nhiều vấn đề vướng mắc.

Ông Trịnh Viết Ty, Giám đốc Khu BTTN Kon Chư Răng, Kbang cho biết:  “ Quyết định 124 và 138 của tỉnh cho xây dựng trạm kiểm soát nhưng chưa thực hiện được, đề xuất cho nâng cấp các tuyến đường để phục vụ việc tuần tra, phá bỏ những nhánh đường ngang, lối tắt để lâm tặc có thể lợi dụng”.

Những hệ lụy từ việc mất rừng có lẽ không cần phải nói. Và để ngăn chặn điều đó thì cần phải có sự vào cuộc quyết liệt từ phía chính quyền các cấp và các ban ngành chức năng. Một Tây Nguyên mãi xanh là mục tiêu phải đặt lên hàng đầu khi tính toán thiệt hơn trong việc đầu tư để giải quyết bài toán giữ rừng./.

Hoà Giang -Phan Nguyên – Minh Vũ


Lượt xem: 113

Trả lời