Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả-Hướng đi mới cho người nông dân

Cập nhật 27/12/2017, 08:12:34

Đối với các địa phương thường xuyên chịu khô hạn, thiếu nước sản xuất thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là nhiệm vụ cấp bách được đặt ra. Phóng sự “Chuyền đổi cây trồng trên cây lúa kém hiệu quả –
hướng đi mới cho nông dân” sẽ đề cập đến việc nông dân trên địa bàn huyện Ia Pa chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang một số loại cây trồng khác.

Tại huyện Ia Pa, kế hoạch đề ra đến năm 2025 là chuyển đổi 1.300 ha từ đất lúa sang cây trồng ngắn ngày khác hiệu quả hơn. Đây được kỳ vọng sẽ mở một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân Jrai ở các buôn làng còn nhiều khó khăn…!

Cánh đồng hơn 50ha này, bao năm qua vẫn được bà con nông dân Jrai ở xã Ia Kđăm sản xuất lúa nước một vụ. Từ khi xuống giống đến khi thu hoạch chỉ trong vòng 3 tháng, thời gian còn lại ruộng đất hầu như bỏ hoang làm nơi chăn thả gia súc. Năm nào mưa nhiều, đủ nước tưới thì bà con thu về từ 6 đến 8 bao lúa trên 1 sào. Nếu vụ nào mất mùa thì chỉ được 3 đến 4 bao hoặc là mất trắng.

Anh Ksor Khe, xã Ia Kđăm, huyện Ia Pa, Gia Lai cho biết: “Không có nước nên lúa không được bao nhiêu đâu, nhưng cũng phải làm chứ giờ đâu thể bỏ được, bỏ thì lấy gì ăn. Mấy năm nay lúa ít vì trời ít mưa. Giờ thì cũng muốn chuyển sang trồng cây khác, nhưng chưa làm được nếu mà địa phương chỉ, hỗ trợ giúp thì bà con cũng muốn chuyển làm mía”.

Rõ ràng, cây lúa nước một vụ đã không thể phát huy được hiệu quả đất đai, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con dân tộc thiểu số nơi đây. Tuy Vậy, để chuyển sang các loại cây trồng khác thì không phải là việc làm dễ dàng lúc này. Thiếu vốn, thiếu kỹ thuật canh tác và không đảm bảo được đầu ra nông sản từ các loại cây trồng mới nên nhiều bà con nông dân Jrai còn lo ngại cho cách làm mới trên diện tích đất của mình.

Những định hướng cụ thể, phát triển các mô hình điểm giúp bà con học hỏi kinh nghiệm tiếp cận với các loại cây trồng mới hiệu quả chính là vấn đề cấp thiết mà chính quyền địa phương cần triển khai thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Diện – Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ia Pa, Gia Lai cho biết: “Chúng tôi đang tiến hành khảo sát, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh để lựa chọn các loại cây  trồng phù hợp nhất, không chỉ có cây mía mà có thể là đậu nành, cây ăn quả… Để có thể đảm bảo được đầu ra, chúng tôi sẽ triển khai đến bà con nông dân một cách nhanh nhất”.

Thực tế, trong năm 2015-2016 huyện Ia Pa đã chuyển đổi  hơn 400 ha đất lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng mía đã cho kết quả khả quan. Hiện tại thì địa phương cũng đang tập trung đầu tư, xây dựng các tuyến đường trục chính tại các khu vực nằm trong diện quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm phục vụ vận chuyển phát triển sản xuất tập trung, kết nối các xã như Ia Kđăm, Chư Mố, Ia Tul với các huyện lân cận trong thời gian tới.

Ông Huỳnh Vĩnh Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa, Gia Lai cho biết: “Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình phát triển kinh tế của huyện. Điều này là một chuỗi mà phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nông dân, chính quyền và nhà chuyên môn. Chúng tôi ngoài sự đầu tư, định hướng sẽ bằng mọi cách giúp cho bà con hiểu, mạnh dạng trong việc thay đổi cách làm trong sản xuất để đem lại hiệu quả”.

Những việc làm cụ thể đã giúp huyện Ia Pa có được kết quả tích cực bước đầu từ cây mía, đây được xem là tín hiệu vui để ngành nông nghiệp Ia Pa tiếp tục thành công trong việc chuyển đổi 1.300ha ở những vùng đất bạc màu, lúa một vụ kém hiệu quả, không chủ động nguồn nước tưới sang trồng mía, điều, cây ăn trái và rừng sản xuất kết hợp với trồng cây dược liệu  tập trung ở 6 xã  là: Pờ Tó; Chư Răng; Kim Tân; Ia Tul; Chư Mố và Ia Kđăm, giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình, vươn lên xóa đói, giảm nghèo./.

Kim Ngân, Mạnh Hà


Lượt xem: 77

Trả lời