Chương trình truyền hình tiếng dân tộc – 15 năm ghi dấu chặng đường phát triển

Cập nhật 27/4/2016, 14:04:18

        Ngày 01/5/2001, Chương trình Truyền hình tiếng dân tộc thiểu số của Đài PT-TH Gia Lai chính thức phát sóng số đầu tiên với hai thứ tiếng Jrai, Bơhnar. Nhân kỷ niệm 15 năm sự kiện này, chúng ta cùng nhìn lại những thành tựu, dấu mốc quan trọng, gặp gỡ những người đã đặt nền móng cho sự ra đời của chương trình và thế hệ kế cận đã và đang ngày đêm cống hiến hết mình vì sự phát triển chung của làn sóng truyền hình Gia Lai và quan trọng hơn là được phục vụ chính đồng bào mình, quê hương mình.

 

Cán bộ, nhân viên  Đài PT- TH Gia Lai nói chuyện với ông Trần Liễm, Nguyên Giám đốc Đài PT-TH Gia Lai.

Thời gian thấm thoát trôi, mới đó Chương trình Truyền hình tiếng dân tộc của Đài PT-TH Gia Lai đã tròn 15 tuổi. Ông Trần Liễm, Nguyên Giám đốc Đài PT-TH Gia Lai, người đã có công gây dựng và đặt viên gạch đầu tiên cho sự ra đời của chương trình nhớ lại: “Tỉnh ta là tỉnh có đông đồng bào DTTS nên chúng tôi đã có ý tưởng làm chương trình truyền hình tiếng dân tộc từ trước đó, nuôi ý định từ rất lâu. Đến năm 2001, quyết tâm phải có chương trình truyền hình tiếng dân tộc trên sóng của Đài. Thế thì đầu năm 2001, trong mấy tháng anh em chuẩn bị cơ sở vật chất, con người, chủ yếu là biên dịch tiếng dân tộc, tức là đưa từ chương trình truyền hình tiếng phổ thông qua cho anh, chị em dịch sang tiếng dân tộc và dùng hình ảnh đó đưa lên. Ban đầu có 2 chương trình phát trên một tuần, đồng bào rất hoan nghênh nên càng khiến chúng tôi quyết tâm”.

Những ngày đầu mới lên sóng, Đài PT-TH Gia Lai chỉ phát 2 chương trình thời sự tiếng Jrai và Bơhnar vào các ngày thứ 3, thứ 6 hàng tuần. Những năm sau đó, được sự quan tâm tạo điều kiện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự động viên, khích lệ cũng như những ý kiến đóng góp quý báu của khán giả, thời lượng phát sóng của chương trình đã tăng lên không chỉ về nội dung, hình thức thể hiện mà chất lượng các chương trình cũng tạo được nhiều dấu ấn đậm nét…

Bà Trần Thị Hồng Thanh – Nguyên Trưởng phòng Biên tập tiếng dân tộc, Đài PT-TH Gia Lai  cho biết: “Khi anh, chị em xuống cơ sở thì bà con họ đón tiếp rất vui vẻ nồng nhiệt, có những kỷ niệm tôi cũng nhớ mãi: Siu Hương BTV cũng là PTV, thời gian đầu là PTV chính của chương trình Bơhnar, khi 2 chị em và PV đi xuống bà con huyện Kông Chro họ nhận ra và giữ lại cho được chiêu đãi món cà đắng lá mỳ, gà nướng nên mình rất vui vì bà con ghi nhớ, ghi nhận mình”. 

Là một trong những phòng thuộc khối nội dung của Đài PT-TH Gia Lai, nếu như những ngày đầu, phòng chỉ có 8 người đảm nhận cả 2 chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc, theo yêu cầu phát triển, đến nay số cán bộ, biên dịch viên của Phòng Biên tập tiếng dân tộc đã tăng lên 15 người, phần lớn họ đều đảm nhận 2 vai, vừa là biên dịch viên, vừa là phát thanh viên. Tuy vất vả là vậy nhưng ai cũng cảm thấy tự hào vì được làm việc và cống hiến cho đồng bào mình, cho làn sóng của Đài.

Nhà báo Siu Thu, Phòng Biên tập tiếng dân tộc, Đài PT-TH Gia Lai chia sẻ: “Nhớ lại những ngày đầu, lúc đó được lãnh đạo Đài chỉ đạo cho Phòng thực hiện chương trình truyền hình tiếng dân tộc chúng tôi rất hồi hộp, nhưng cảm thấy vinh dự, tự hào khi mà tiếng của dân tộc mình được lên sóng truyền hình, vừa lại cảm thấy lo lắng vì những ngày đầu tiếp cận phương tiện làm việc còn thô sơ, hồi đó chúng tôi còn viết tay mà, dịch bằng tay, đưa văn bản của phổ thông sang dịch bằng tay sau đó mới đi đọc, nghĩ lại những cái đó không bao giờ quên”.

15 năm trưởng thành cùng cánh sóng truyền hình Gia Lai, Phòng Biên tập tiếng dân tộc đã có những bước tiến đáng ghi nhận, nhất là từ khi Đài PT-TH Gia Lai phát sóng lên vệ tinh Vinasat 1, để đảm bảo việc tăng thời lượng và nâng cao chất lượng các chương trình phát sóng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của tất cả các phòng chuyên môn. Nếu như trước đây chỉ sản xuất chương trình thời sự 15 phút/1 ngày cho cả 2 tứ tiếng Jrai, Bơhnar, thì nay phòng sản xuất thêm 2 chương trình tổng hợp/1 ngày, mỗi chương trình 30 phút dành cho 1 thứ tiếng…, qua đó, nâng tổng thời lượng phát sóng truyền hình lên 3h/1 ngày, phòng còn sản xuất các chương trình gửi phát sóng trên kênh VTV5 của Đài TH Việt Nam…

       Không gì vui hơn đối với những người làm Truyền hình tiếng dân tộc của Đài PT-TH Gia Lai khi các chương trình phát sóng đều được bà con theo dõi, đón nhận. Vì hơn bao giờ hết sự yêu mến của khán giả chính là nguồn động lực lớn lao giúp những người làm chương trình nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp để phục vụ tốt hơn sự nghiệp đổi mới của địa phương, đất nước…

Ông Đinh Văn Thàng, làng Hven, thị trấn Đăk Pơ, huyện Đăk Pơ, Gia Lai cho biết: Trước chưa có tiếng dân tộc, chúng tôi vẫn hay xem Đài Gia Lai, từ khi có chương trình truyền hình tiếng dân tộc, bà con chúng tôi rất mừng vì được nghe chính tiếng nói của mình, được tìm hiểu thời sự trong tỉnh, trong nước và còn nhiều thông tin bổ ích khác nữa khi xem chương trình.

Trên chặng đường dài phấn đấu để khẳng định mình, Chương trình Truyền hình tiếng dân tộc còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để đáp ứng kỳ vọng, yêu cầu ngày càng cao của khán giả. Đơn cử là việc khắc phục sự khác nhau về phương ngữ vùng miền giữa vùng Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn.

Ông Puih Huôh, T.p Pleiku, Gia Lai nói: “Tôi thấy đồng bào ở trong làng mình xem Đài TH tiếng Jrai cũng hiểu 80%, bởi tiếng Jrai ở đây khác tiếng ở ngoài, làm như thế nào, Đài TH nói tiếng Jrai cho nó rõ hơn, do đồng bào mình ở đây thích coi ti vi nói tiếng Jrai cho nó hiểu, cho nó biết”.

Nhà báo Vũ Hữu Hoàng – Trưởng phòng Biên tập tiếng dân tộc, Đài PT-TH Gia Lai cho biết: Thực ra hiện nay tiếng nói ở các vùng miền có sự khác nhau, chẳng hạn lâu nay tiếng Bơhnar lấy vùng Đăk Đoa làm chuẩn, Jrai thì lấy vùng Ayun Pa, thế nhưng ở những vùng khác, tiếng nói của họ khác, Jrai ở vùng Pleiku, vùng khu vực trung tâm đây lại khác với vùng Ayun Pa… Chính vì thế trong quá trình biên dịch thì chúng tôi cũng chỉ đạo anh em phải điều chỉnh lại thế nào đó sử dụng những ngôn ngữ chung nhất để khi chuyển tải các nội dung đến thì đồng bào dễ tiếp thu.

Bước sang chặng đường mới, nhất là trong xu thế hội nhập toàn cầu, các phương tiện công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, các luồng văn hoá không lành mạnh du nhập…, đòi hỏi các cơ quan tuyên truyền nói chung, Đài PT-TH nói riêng phải nỗ lực, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung chương trình, trong đó có các chương tình tiếng dân tộc…

Nói về vấn đề này Nhà báo Trần Ngọc Nhung- Giám đốc, Tổng biên tập Đài PT-TH Gia Lai cho biết: “Phải nói rằng, trong thời kỳ hội tụ các công nghệ thì những người làm truyền hình của tỉnh nói chung, những người làm truyền hình tiếng dân tộc nói riêng luôn luôn phải đổi mới, phải học tập, phải rèn luyện, phải nâng cao về mọi mặt, về nghiệp vụ, về đạo đức nghề nghiệp, về các ứng dụng KHCN để đáp ứng được nhu cầu ứng dụng các thiết bị mới trong quá trình sản xuất chương trình. Thì phải nói rằng, để đáp ứng được việc đó thì theo lộ trình của Chính phủ thì Đài Gia Lai cũng phải tiếp tục đầu tư để số hóa các thiết bị đầu vào cũng như thiết bị hậu kỳ để có những hình ảnh, âm thanh chất lượng tốt nhất đến với người dân trong và ngoài tỉnh bằng các chương trình tiếng phổ thông, tiếng đồng bào DTTS, cũng như các chương trình giải trí hàng ngày của Đài PT-TH Gia Lai”.

Trải qua chặng đường 15 năm, kể từ ngày phát sóng chương trình truyền hình tiếng dân tộc đầu tiên – Nhìn lại hành trình ấy, tập thể cán bộ, nhân viên Đài PT-TH Gia Lai nói chung và mỗi cán bộ, biên dịch viên của Phòng Biên tập tiếng dân tộc nói riêng luôn tự hào, trân trọng những thành tựu mà các thế đi trước đã dốc lòng, dốc sức gây dựng, định hình được một Chương trình Truyền hình tiếng dân tộc đọng lại trong lòng người xem. Vinh dự gắn liền với trách nhiệm của những người làm báo như ngọn đuốc truyền thống vẫn luôn được trao truyền qua các thế hệ, để thêm vững tin đưa Truyền hình tiếng dân tộc nói riêng, các chương trình của Đài PT-TH Gia Lai nói chung hòa bước cùng xu thế phát triển chung của báo chí cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của quê hương,  đất nước./.

 

 

Song Nguyễn – Mạnh Hà


Lượt xem: 211

Trả lời