Chương trình phổ thông mới – cái khó ở trường vùng sâu

Cập nhật 21/11/2020, 17:11:32

Nội dung sách giáo khoa chưa phải vấn đề duy nhất mà Ngành GD – ĐT Gia Lai gặp phải trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Với tỷ lệ học sinh vùng khó khăn ở mức cao, nhất là sự quan tâm của phụ huynh DTTS dành cho việc học tập của con em còn nhiều hạn chế, nhiều trường học vùng sâu, vùng xa đang phải đối mặt với nhiều trở ngại trong bước đầu triển khai việc thay sách lớp 1.

Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân, xã Ia Din, huyện Đức Cơ được tách ra từ Trường tiểu học Hùng Vương từ năm 2007. Cơ sở vật chất được phát triển lên từ điểm trường lẻ, cộng thêm 100% học sinh với gần 300 em là con em đồng bào DTTS nên nhà trường gặp khá nhiều khó khăn khi triển khai nhiệm vụ mỗi năm học, nhất là năm nay khi chính thức bắt đầu Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cô giáo Nguyễn Thị Hà, Hiệu trưởng Trường TH Bùi Thị Xuân, xã Ia Din, Đức Cơ cho biết: “Có những dãy phòng học đã xây dựng từ năm 92, 93, đã xuống cấp. Phòng học thì không đủ ánh sáng. Bàn ghế thì không đúng quy cách và đặc biệt là thiếu phòng học để thực hiện đảm bảo CT ngày 2 buổi. Phòng học thì có nhưng các phòng chức năng và thư viện không có nên buộc nhà trường phải sử dụng các phòng đó để làm phòng chức năng, thư viện, thiết bị còn số phòng học thiếu thì nhà trường đã khắc phục để tạo mọi điều kiện để đủ học theo chương trình”.

Với tinh thần ưu tiên cho việc thay sách giáo khoa, từ phòng học đến cán bộ giáo viên đều được nhà trường bố trí những gì tốt nhất cho khối lớp 1. Thế nhưng khó khăn vẫn chưa hết.

Năm học này, Trường TH Bùi Thị Xuân có 2 lớp 1 với 49 học sinh. Theo thống kê, còn hơn 20 em chưa đủ sách vở và đồ dùng học tập, đặc biệt có 6 em không có lấy bất cứ thứ gì cho năm học mới.

Cô giáo Bùi Thị Hằng Nga, GV lớp 1A2 Trường TH Bùi Thị Xuân, xã Ia Din, Đức Cơ chia sẻ: “Thật sự tôi có trích tiền ra để mua bút vở cho các em nhưng cứ như muối bỏ biển thôi. Theo CT SGK mới này đòi hỏi rất nhiều kỹ năng và phẩm chất mà người DTTS các em còn thiếu rất nhiều về kỹ năng nên trong quá trình giảng dạy, chúng tôi phải tập trung  hoàn toàn để nghiên cứu bài dạy và tìm ra phương pháp phù hợp nhất với HS ở đây. Trong khi đó các em còn thiếu cả kỹ năng lại còn sách vở, đồ dùng học tập nữa cho nên đòi hỏi cả cô và trò phải nỗ lực hết mình thì mới đạt kết quả”.

Trường vùng khó, học sinh thiếu thốn đã là “chuyện thường ngày”. Nhưng điều đáng nói là khi không ít trường phải đối mặt với điều đó thì chắc hẳn sẽ là không dễ dàng để Ngành GD – ĐT Gia Lai tiếp tục hành trình thay sách giáo khoa, và đương nhiên, Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ khó có thể đạt được như kỳ vọng./.

Hòa Giang,  Xuân Huy


Lượt xem: 71

Trả lời